Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Rất toàn diện và khả thi

(PLVN) - Việc sửa đổi Luật Thủ đô sau hơn 10 năm thi hành là vô cùng cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại phát sinh trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định các cơ chế đặc thù vượt trội, giúp khai thác các nguồn lực để Thủ đô bứt phá. Để thực hiện những mục tiêu đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) đòi hỏi những chính sách có tầm nhìn mới và thực sự vượt trội.
Ông Lê Hồng Sơn. Ảnh-Internet.
Ông Lê Hồng Sơn. Ảnh-Internet.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết, theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW), Hà Nội được xác định là động lực, đầu tàu kinh tế của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ. Để Hà Nội làm tròn được vai trò đó, chính quyền Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tiễn và sự phát triển của thành phố. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô hướng đến mục tiêu thể chế hóa toàn diện những quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ đã được xác định tại các Nghị quyết nêu trên.

Ngoài ra, việc sửa đổi Luật lần này cũng nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời đưa ra các cơ chế đột phá để Hà Nội phát huy tất cả các tiềm năng, thế mạnh, làm tròn trách nhiệm là Thủ đô cả nước. Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cần đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật. “Chúng ta cần lưu ý rằng, Luật này không thay thế các luật hiện hành mà chỉ quy định các cơ chế chính sách đặc thù. Như vậy, mục tiêu đặt ra đối với lần sửa đổi này là rất toàn diện và khả thi” - ông Lê Hồng Sơn nói.

Vẫn theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội quy định tại dự thảo Luật được thể hiện toàn diện trong 9 nhóm chính sách. Ví dụ về tổ chức bộ máy và biên chế, dự thảo Luật đề xuất HĐND TP Hà Nội được tự quyết về việc tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn đặc thù để phù hợp nhu cầu giải quyết công việc. TP cũng được tự quyết về biên chế bởi lẽ hiện nay một công chức của TP Hà Nội phải giải quyết công việc cho 1.060 người dân, trong khi đó trung bình cả nước là 638 người dân. Với khối lượng công việc rất lớn, tính chất phức tạp, cần thiết trao quyền cho Hà Nội tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và biên chế.

Một ví dụ khác như về vấn đề đầu tư, dự thảo Luật có quy định về phân cấp cho Hà Nội tự quyết định những dự án đầu tư dưới 20 nghìn tỷ (công trình xây cầu vượt sông, đường sắt đô thị…). Hiện tại, một dự án chuẩn bị đầu tư chúng ta mất 3 - 5 năm, nếu giao Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian.

lQuang cảnh TP Hà Nội. (Ảnh minh họa - Ảnh: khoanhkhacthanglong.vn)

lQuang cảnh TP Hà Nội. (Ảnh minh họa - Ảnh: khoanhkhacthanglong.vn)

Chia sẻ về định hướng phát triển 2 TP trực thuộc Thủ đô, ông Lê Hồng Sơn cho biết, định hướng này đã được nêu ra tại Nghị quyết số 15. Theo đó, TP phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai) là TP khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với hướng hiện đại; TP phía Bắc (khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) nghiên cứu chức năng đô thị dịch vụ, hội nhập quốc tế gắn với Cảng hàng không cửa ngõ quốc tế Nội Bài. Đây là các đô thị chức năng, nhằm tạo ra động lực để phát triển Thủ đô. Dự thảo Luật đề xuất phân quyền cho 2 TP này một số nội dung về đầu tư, tổ chức bộ máy. Nếu 2 TP này được thành lập trong tương lai sẽ tạo ra cực tăng trưởng, như phía Bắc nối với sân bay Nội Bài, góp phần thúc đẩy hội nhập quốc tế; phía Tây với khu công nghệ cao Hòa Lạc làm trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.

“Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị đã xác định toàn diện các nhiệm vụ, định hướng phát triển Thủ đô. Luật Thủ đô phải thể chế hóa toàn diện các phương hướng, nhiệm vụ đó. 9 nhóm chính sách được đề xuất đã bao trùm tất cả các định hướng mà Nghị quyết số 15 nêu, cụ thể hóa thành các chương, trên cơ sở đó quy phạm hóa thành 59 điều, thể chế hóa đầy đủ toàn diện phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn thông tin, đồng thời mong muốn Quốc hội tiếp tục thảo luận và sẽ thông qua dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Khi đó, Nghị quyết số 15 sẽ được thực hiện hiệu quả vì đã được thể chế hóa kịp thời bằng Luật để thực hiện trong cuộc sống.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bản chất là phân cấp, phân quyền. Do đó, chúng ta cần lưu ý tới việc phân cấp, phân quyền cần đi đôi với kiểm soát, đồng thời cũng cần lưu ý tới tính triệt để trong phân cấp, phân quyền, để Hà Nội chủ động, tự chịu trách nhiệm thì các quy định mới phát huy hiệu quả” - ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.

Đọc thêm