Trong phiên họp sáng nay tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luật Đất đai sửa đổi. Vấn đề thu hút ý kiến đóng góp nhiều nhất liên quan đến câu chuyện thu hồi, đền bù đất.
Đại biểu Dương Hoàng Hương phát biểu tại phiên thảo luận |
Không chỉ tại phiên thảo luận về Luật đất đai, mà ở nhiều phiên họp khác, các đại biểu cũng thể hiện sự bức xúc khi các vụ án khiếu kiện liên quan đến đất đai quá nhiều, và kéo dài bất thường. Nhiều người hy vọng với Luật Đất đai sửa đổi, những bức xúc đó sẽ được gỡ rối. Và để làm được điều này, tất cả mọi vấn đề liên quan đến câu chuyện thu hồi đất như quy định hiện hành đều cần được chỉnh sửa.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về giá đất, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, công bằng và đúng pháp luật. Người có đất bị thu hồi được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, đảm bảo đời sống.
Một trong những bất cập của luật hiện hành là quy định về giá đất. Với Dự thảo, thay vì quy định giá đất khi đền bù cho dân phải “sát giá thị trường” như luật hiện hành, quy định mới nêu rõ: “giá đất do Nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường”.
Tuy nhiên, ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) lại có nhận định, không nên hy vọng vào quy định này, bởi nó cũng chẳng “sáng sủa” hơn: "Phù hợp giá thị trường có gì khác với sát giá thị trường? Thế nào là phù hợp giá thị trường? Giá thị trường là thị trường ở thời điểm nào?", ông Sang phát biểu.
Đại biểu Tp. HCM nói thêm: Lâu nay, bảng giá đất được công bố chỉ bằng 30 - 60% giá thị trường. Hà Nội và TP.HCM áp mức cao nhất trong bảng giá là 81 triệu đồng, trong khi thực tế lên tới vài trăm triệu một mét đất. Nguyên tắc mơ hồ này cũng là lý do dẫn đến quốc nạn tham nhũng.
Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cũng góp ý về giá đất: Giá đất để tính khi đền bù cho dân càng phải chi tiết và cụ thể càng tốt.
Còn đại biểu Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) cho rằng Nhà nước phải có vai trò trong điều tiết chênh lệch giá đất trước và sau khi thu hồi để tránh khoản chênh lệch rơi vào chủ đầu tư một cách không công bằng. Phương án đại biểu tỉnh Phú Thọ đề nghị là cần xác định cơ chế tài chính sử dụng khoản chênh lệch này theo hướng Nhà nước để lại một phần thỏa đáng trực tiếp đầu tư vào cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế-xã hội ngay tại khu có đất bị thu hồi.
Để hạn chế những bức xúc nảy sinh sau khi thu hồi đất, các đại biểu đề nghị cần có cơ chế rõ ràng về việc tái định cư, cũng như bố trí nghề nghiệp cho người bị thu hồi đất. Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nhận định: Khi mất đất, điều dân cần chính là công ăn việc làm. Theo bà, nên cân nhắc việc lập một tổ chức quan hệ cộng đồng để nghiên cứu tìm hướng chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân. Tổ chức này sẽ tồn tại ít nhất cho tới khi dự án được kết thúc.
Đại biểu Lê Trọng Sang đề nghị, bổ sung nguyên tắc, giá trị mà dân được nhận bồi thường khi nhà nước thu hồi đất dựa trên cơ sở sự bảo tồn tài sản và nguồn sinh kế cho dân. Theo đó, phải coi quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt. Trong trường hợp cần thiết thì nhà nước tổ chức trưng mua. Có như vậy mới đảm bảo để dân đến nơi ở mới vẫn được nhận các điều kiện bảo đảm công ăn việc làm và sinh sống như nơi ở cũ.
Không chỉ đưa ra đề nghị nên quy định đối với các dự án về kinh tế quy mô nhỏ và vừa thì để người có đất bị thu hồi và người đầu tư thỏa thuận, đại biểu Huỳnh Thành (đoàn Gia Lai) còn để nghị sử dụng khái niệm “trưng mua quyền sử dụng đất” thay cho “thu hồi đất” vì quyền sử dụng đất là tài sản, khái niệm “thu hồi đất” chỉ dùng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Nhật Thanh