Bỏ tội đưa hối lộ để dân “dễ” tố cáo tham nhũng

(PLO) - Theo ông Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, quy định của pháp luật hiện hành, nếu đưa hối lội rồi tố cáo thì cũng bị xử vì tội đưa hối lộ, nên người dân dù có bị “vòi vĩnh”, “đòi hối lộ” cũng không tố cáo tham nhũng. Do đó, cần qui định để các trường hợp buộc đưa hối lộ mà tố cáo thì không chịu trách nhiệm hình sự.
Bỏ tội đưa hối lộ để dân “dễ” tố cáo tham nhũng
- Thưa ông, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực để phòng, chống tham nhũng song hiệu quả chưa đạt như mong muốn thông qua kết quả về PAPI 2014 vừa được công bố. Vậy, theo ông cần làm gì để chống tham nhũng hiệu quả thực sự?
- Tham nhũng đúng là vấn đề rất nghiêm trọng và là nguy cơ cần phải tiếp tục có giải pháp mạnh hơn nữa để hạn chế, đẩy lùi. Dù năm 2014 đã tập trung xét xử được một số vụ án lớn, nhưng vẫn chưa tác dụng lớn. Công tác phát hiện tham nhũng chủ yếu mới nhằm được đến các vụ tham nhũng nhỏ, tham nhũng “vặt” mấy con bò, con gà, còn những vụ tham nhũng cực lớn chưa được xử lý một cách hiệu quả. 
Ở các nước như Mỹ, Anh..., trong luật phòng chống tham nhũng tập trung hành vi tham nhũng, hối lộ ra nước ngoài. Nên tới đây sửa đổi Bộ luật Hình sự cần sửa vấn đề này để đấu tranh chống tội phạm tham nhũng cho hiệu quả.
Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đã sửa đổi các qui định pháp luật như việc kê khai tài sản, thu nhập, nhưng vấn đề là kiểm soát, kiểm tra nguồn gốc tài sản như thế nào khi chúng ta vẫn đang dùng tiền mặt... Do đó, vẫn phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ quy định pháp luật đầy đủ đến việc tổ chức thực hiện phải chặt hơn để người ta “không dám, không thể, không cần” tham nhũng. 
Tất cả mọi thứ phải công khai minh bạch và có chế độ thỏa đáng cho cán bộ, công chức.
- Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông tư về việc thưởng tố cáo tham nhũng. Ông đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của qui định này đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng?
- Giải pháp này có tác dụng nhất định để giảm tham nhũng, nhưng tôi cho rằng phải tổng hợp nhiều giải pháp mới thực sự ngăn chặn được vấn nạn này. Theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu đưa hối lội rồi tố cáo thì cũng bị xử vì tội đưa hối lộ, nên người dân dù có bị “vòi vĩnh”, “đòi hối lộ” cũng không tố cáo tham nhũng. 
Do đó, cần qui định để các trường hợp buộc đưa hối lộ mà tố cáo thì không chịu trách nhiệm hình sự. Còn nếu người nào chủ động đưa hối lộ để “chạy chức, chạy quyền” thì phải xử.
- Nhưng có ý kiến lo ngại nếu bỏ tội đưa hối lộ sẽ dẫn đến tình trạng lợi dụng để “gài” hay “hạ bệ gây mất uy tín của cán bộ”?
- Đúng là có chuyện này, chuyện khác. Nếu bị đẩy vào tình trạng buộc phải hối lộ thì mới được miễn trách nhiệm hình sự. Còn nếu hối lộ để “chạy việc” hay “chạy chức, chạy quyền” không được mới tố thì phải xử. 
Nhưng tôi cho rằng, dù có chuyện “gài” đi chăng nữa nhưng cán bộ có bản lĩnh trong sạch, không nhận của hối lội thì sẽ không vấn đề gì.
- Vậy ông đồng tình với việc nên bỏ tội đưa hối lộ để khuyến khích người dân không “thờ ơ” với việc tố cáo tham nhũng?
- Đúng vậy. Hối lộ có chuyện người đưa, nhận và trung gian hối lộ. Nếu bỏ tội này thì người muốn nhận hối lộ sẽ phải cảnh giác vì bất cứ lúc nào cũng có thể bị người đưa hối lộ tố cáo. Vì thế, tôi cho rằng, đây là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng nhận hối lộ trong thực tiễn.
- Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm