ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, căn cứ vào luật hiện hành, hiện có 3 bộ cùng chức năng quản lý là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên quan đến đàm phán, ký kết thì có thêm Ngân hàng Nhà nước.
Theo ĐB Mai, dự thảo luật chưa cụ thể hóa được Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị về tổ chức bộ máy nhà nước. Trong Nghị quyết nêu rất rõ là phải bảo đảm tập trung thống nhất một đầu mối về nợ công, sớm khắc phục tình trạng quản lý đầu tư công, nợ công chồng chéo…
Cùng với đó, trong quá trình quản lý nợ công, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên, với cơ chế như hiện nay thì thực tế phát sinh rất nhiều những bất cập trong công tác quản lý, phối hợp cũng như trách nhiệm. Đó là cùng một vấn đề lại có 2 báo cáo, một là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và hai là Bộ Tài chính. “Có những lần xem xét về dự toán, liên quan đến đầu tư, Ủy ban Tài chính của Quốc hội nêu những vấn đề chưa làm rõ thì Bộ Tài chính lại nói là không biết và phải hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư”- ĐB Mai nói.
“Tôi nghĩ rằng, khi đã trình ra QH thì không có bộ nào hết mà chỉ có vai trò của Chính phủ. Chính phủ quản lý thống nhất. Nếu chúng ta tiếp tục duy trì thực trạng như hiện nay thì trách nhiệm không được đề cao, số liệu tổng hợp chưa được thống nhất và quy trình phối hợp và đặc biệt là hiệu quả nguồn lực thì hạn chế”, ĐB Mai nói và đề nghị: “Với nợ công cũng vậy, tôi nghĩ cũng cần có một cơ quan thống nhất để quản lý”.
Đồng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng cần thống nhất một đầu mối và không nên phân tán. Theo ĐB Cường, trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang cần quản lý chặt, vay phải gắn với trả nợ như thế nào. Vậy thì phải tập trung vào một đầu mối và đầu mối này chịu trách nhiệm, trước hết là trả nợ. “Ai trả nợ được thì mới nghĩ chuyện vay”, ĐB Cường nêu quan điểm.