Dự thảo Luật Xuất bản vẫn "né" thực tế

Dù mới được ban hành năm 2004, giữa năm 2005 mới có hiệu lực và đã qua một lần sửa đổi vào năm 2009, nhưng Luật Xuất bản hiện hành vẫn lộ rõ nhiều điểm bất cập. Nhận định này được khẳng định trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIII, khi các địa biểu tiếp tục bàn về chuyện sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản. Và ở dự thảo lần này, nhiều ý kiến cho rằng luật vẫn “né” thực tế.

Dù mới được ban hành năm 2004, giữa năm 2005 mới có hiệu lực và đã qua một lần sửa đổi vào năm 2009, nhưng Luật Xuất bản hiện hành vẫn lộ rõ nhiều điểm bất cập. Nhận định này được khẳng định trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIII, khi các địa biểu tiếp tục bàn về chuyện sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản. Và ở dự thảo lần này, nhiều ý kiến cho rằng luật vẫn “né” thực tế.

Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi)
Sửa luật để theo kịp công nghệ
Mặc dù đã có một buổi thảo luận ở tổ, nhưng tại buổi thảo luận trên hội trường sáng hôm nay, các đại biểu vẫn bàn luận rất sôi nổi về dự thảo luật xuất bản sửa đổi bổ sung.
Từ câu chuyện quản lý nhà nước về xuất bản, chế tài đối với hành vi vi phạm, quy định về quyền thành lập nhà xuất bản, chức năng của người đứng đầu... đều đã được các đại biểu đóng góp ý kiến. 
Về việc có nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung luật hay không, có quan điểm khẳng định những bất cập hiện nay về tình hình xuất bản là do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, chứ không phải bởi những quy định của luật xuất bản hiện hành. Tuy nhiên, đa số các ý kiến phát biểu tại hội trường trong buổi sáng hôm nay đều thống nhất với tính cấp thiết của việc phải sửa luật. 
Đại biểu Trần Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) nhận định: Luật hiện hành còn 1 số quy định bất cập, thiếu đồng bộ và với sự phát triển của khoa học công nghệ, xuất bản ngày càng đa dạng, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời, tiếp thu tinh hoa, tán thành sự cần thiết ban hành luật.
Tư nhân vẫn hoạt động "hậu trường"
Chuyện liên kết xuất bản vốn là câu chuyện sôi động nhất của ngành này cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến nhiều nhất. 
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến đều công nhận sự góp mặt của các đơn vị xuất bản tư nhân trong vai trò liên kết đã khiến ngành xuất bản sôi động, sản phẩm đa dạng, nhiều ấn phẩm hay. 
Nhiều đại biểu đưa ra nhận định Luật đã né tránh thực tế, khi mà thực tế rõ ràng nhận diện hoạt động của tư nhân đối với hoạt động xuất bản thì luật lại không công nhận nó. Quy định luật hiện nay chỉ công nhận hoạt động liên kết của tư nhân với các nhà xuất bản, nhưng về mặt thực tế, mọi khâu trong xuất bản đều do tư nhân đảm nhận, các nhà xuất bản chỉ quản lý giấy phép. 
Khẳng định vai trò của tư nhân đối với sự phát triển của ngành xuất bản, nhiều đại biểu đã đưa ra ý kiến dự luật nên đưa điều kiện cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản. Đại biểu Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) phát biểu: “Về liên kết xuất bản, chủ trương của chúng ta là không cho tư nhân, nhưng thực tế là có tư nhân tham gia. Nên điều chỉnh quy định này.”
Đại biểu Điêu Huỳnh Sang đưa ý kiến:  Hiện nay các xuất bản liên kết nhiều, có nơi lên đến hơn 90%. Bất cập ở đây là nhiều nhà xuất bản không kiểm soát được nội dung, hầu hết các khâu đều do tư nhân làm. Trong khi đó nhà xuất bản chỉ có giấy phép, trách nhiệm hậu kiểm không đến nơi đến chốn. Liên kết nhưng manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Dự thảo lần này ít đề cập đến tư nhân, đề nghị bổ sung các chế định, chế tài liên quan đến tư nhân, cần quy định quyền, trách nhiệm cụ thể hơn.
Không nên bó khung mô hình nhà xuất bản
Cũng liên quan đến chuyện “né thực tế” các đại biểu đề nghị luật nên quy định mở rộng đối với người đứng đầu nhà xuất bản, bởi hiện nay NXB đã có thể hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, do đó người đứng đầu không thể chỉ là giám đốc, hay Tổng biên tập, mà còn có thể là Chủ tịch hội đồng quản trị. 
Về mô hình nhà xuất bản, có ý kiến đề nghị cần có sự điều chỉnh. Nhà xuất bản không nhất thiết phải là của nhà nước. Đề nghị bỏ loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, mang nặng tính bao cấp, không thể hiện được chính sách khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực xuất bản và cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức .
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM) có ý kiến: Cần nghiên cứu các vấn đề thực tiễn diễn ra, 1 số nhà xuất bản hoạt động theo doanh nghiệp, nên phải thêm  các quy định để phù hợp với luật doanh nghiệp.
Xử lý như thế nào với Ipad chứa hàng nghìn tác phẩm vi phạm Luật Xuất bản?
Đó là câu hỏi được Linh mục Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) đặt ra khi nói về việc quản lý xuất bản phẩm điện tử. Rõ ràng, nếu không quản lý được thì là một sự bất công khá lớn đối với các nhà xuất bản ấn phẩm truyền thống. 
Đại biểu Nguyễn Văn Minh, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP.HCM), đại biểu Trần Thanh Hải (Hòa Bình), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) và rất nhiều đại biểu khác đều đưa nhận định quy định như dự thảo luật không thể quản lý nổi hoạt động xuất bản, xuất bản phẩm điện tử. Tuy không đưa ra được những ý kiến cụ thể, nhưng đa phần đều cho rằng cần phải phải có một chương riêng về xuất bản, xuất bản phẩm điện tử,  với các điều khoản cụ thể hơn. 
Đặc biệt, đề nghị tham khảo ý kiến của các chuyên gia và kinh nghiệm quốc tế để có hướng đi đúng trong việc định hướng phát triển và quản lý xuất bản phẩm điện tử.
Xuất bản cần quản lý cả hoạt động in
Thực tế hiện nay, có nhiều cơ sở in do không có hoạt động in xuất bản phẩm, nên không thuộc đối tượng quản lý của luật xuất bản hiện hành. Nhưng chính những cơ sở này lại là nơi có nhiều hành vi vi phạm luật xuất bản như in nối bản, in lậu... và đây chính là lý do để các ý kiến đồng tình với quan điểm đưa các đối tượng hành nghề in ấn nói chung vào phạm vi quản lý của Luật Xuất bản. 
Linh mục Lê Ngọc Hoàn (Nam Định) khẳng định: Việc quy định mọi cơ sở in đều phải có điều kiện như trong dự luật là đúng. Đại biểu Nguyễn  Phước Lộc (TP.HCM) cũng đề nghị: Cần tính toán lấp khoản trống pháp lý đối với hoạt động in không phải xuất bản phẩm.
Trái ngược với quan điểm này, có đại biểu lại cho rằng các cơ sở in hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, hộ kinh doanh phải theo quy định của Luật Doanh nghiệp, đó đó không nên đưa vào để tránh chồng chéo.
Về quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản đại đa số các ý kiến đều đồng ý giao cho Bộ Thông tin Truyền thông quản lý. Nhưng các đại biểu vẫn còn e ngại về sự chồng chéo trong việc quản lý về quyền tác giả của xuất bản phẩm, trong khi Cục bản quyền tác giả lại trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. 
Ngoài những vấn đề trên, các đại biểu cũng còn nhiều ý kiến đóng góp về các vấn đề của Luật Xuất bản như quy định về các hành vi cấm, đảm bảo nguyên tắc để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, chế tài đối với sai phạm, ...
Vân Tùng

Đọc thêm