Ghép 5 Nghị định thành 2
Tại Hội thảo lấy ý kiến DN về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư do VCCI phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, mặc dù Nghị định này được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn song VCCI đã kiên trì thuyết phục Ban soạn thảo lấy ý kiến DN bởi đây là văn bản sẽ tác động đến các DN, nhà đầu tư (NĐT) có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Đại diện Ban soạn thảo, ông Hoàng Mạnh Phương, Vụ Phó Vụ Pháp chế, Bộ KH&ĐT cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban soạn thảo đã ghép 5 Nghị định thành 2 Nghị định và đây là 1 trong 2 Nghị định Bộ KH&ĐT đang gấp rút hoàn thiện.
“Bộ KH&ĐT đã gửi dự thảo lấy ý kiến rộng rãi. Mặc dù chưa có Hội thảo chính thức tại Hà Nội nhưng chúng tôi đã mời từng nhóm cụ thể. Dự thảo có nhiều vấn đề nhưng soạn thảo trong thời gian rất gấp. Hiện Bộ Tư pháp đang thẩm định, chúng tôi vẫn muốn lắng nghe ý kiến đề đảm bảo tính khả thi hơn...” - ông Phương thông tin.
Dự thảo Nghị định có 7 Chương, 93 Điều và 3 Phụ lục. Đáng chú ý, 3 phụ lục quy định về: Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài (gồm 15 ngành nghề chưa được phép tiếp cận và 51 ngành nghề tiếp cận có điều kiện); Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư.
Nhiều quy định chưa chặt chẽ, cụ thể
Rất nhiều ý kiến đóng góp công phu, chỉ ra những bất cập, thiếu cụ thể và đề xuất hướng thiết kế từ các công ty luật, các chuyên gia kinh tế, hiệp hội và cộng đồng DN.
Theo Luật sư Trần Thị Thanh Huyền (Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự), dự thảo chưa quy định và cũng chưa có văn bản dự kiến ban hành khác hướng dẫn Luật Đầu tư như quy định về: ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt; Trách nhiệm của Bộ KH&ĐT và các Bộ ngành liên quan trong việc xây dựng và ban hành cơ chế phối hợp để giải quyết vướng mắc của NĐT và phòng ngừa tranh chấp quốc tế; Cơ chế giải quyết vướng mắc của NĐT, phòng ngừa tranh chấp giữa nhà nước và NĐT.
“Dự thảo Nghị định mới chỉ tập trung nhiều vào việc cải thiện công tác quản lý nhà nước về đầu tư mà chưa quy định hay hướng dẫn những vấn đề cấp thiết đối với hoạt động đầu tư để tạo ra một môi trường đầu tư có tính cạnh tranh, ổn định, công bằng và an toàn cho NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài...” - Luật sư Huyền nhận xét.
Đặc biệt, Điều 34 quy định về trình tự, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký đầu tư trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, nhưng lại chưa quy định thời gian cụ thể thực hiện thủ tục tại cơ quan cấp GCN đầu tư. “Chẳng lẽ NĐT nộp hồ sơ rồi chờ đợi trong vô vọng?” - Luật sư đặt câu hỏi. Tương tự, Dự thảo cũng không quy định cụ thể
trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần cho NĐT, một nột dung theo Luật sư Huyền là rất quan trọng, mà Điều 26 Luật ĐT đã giao Chính phủ quy định chi tiết.
Liên quan đến quy định chuyển tiếp với những dự án đang đấu thầu, đấu giá, từ thực tế hoạt động của DN, ông Phạm Thanh Tuấn (Ban Pháp chế, Tập đoàn Vingroups) cho biết, trước đây Luật Đầu tư chỉ quy định một trình tự duy nhất là trình tự quyết định chủ trương ĐT, Luật Đất đai quy định về đấu giá sử dụng đất, Nghị định 30 quy định về đấu thầu dự án ĐT sử dụng đất. Đến Luật ĐT 2020 đã gộp tất cả 3 thủ tục đó. Tuy nhiên, dự thảo nghị định mới có một quy định chuyển tiếp duy nhất đối với những trường hợp các dự án đang đấu thầu, đấu giá đã lựa chọn nhà ĐT thì được tiếp tục thực hiện.
“Vậy với những dự án chưa đấu giá, đấu thầu xong và các cơ quan nhà nước đã thực hiện thủ tục công bố, công khai danh mục dự án, xem xét hồ sơ, từ thời điểm ngày 01/01/2021 trở đi, chúng ta sẽ cần đối xử với những dự án này ra sao?” - ông Tuấn đặt vấn đề.
Về chuyển nhượng dự án, trước khi có Luật ĐT 2020, Luật Kinh doanh Bất động sản quy định rõ và tương đối sát với quy định thủ tục chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản (điều 48 đến điều 51 và Nghị định 76/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên Luật Đầu tư 2020 đã ôm trọn tất cả 3 lĩnh vực đầu tư đấu giá, đấu thầu, quyết định chủ chương đầu tư, không phân biệt dự án bất động sản hay dự án bình thường. Vậy với những trường hợp hồ sơ chuyển nhượng dự án đã nộp trước ngày 01/01/2021 theo Luật Kinh doanh Bất động sản, sẽ xử lý như thế nào? “ - ông Tuấn băn khoăn.
Cũng từ thực tế DN, ông Triệu Văn Bằng (Công ty CP ĐT Thương mại và Dịch vụ quốc tế), DN đang quản lý và khai thác Cảng Nội địa (ICD Mỹ Đình – Hà Nội) cho biết, trước đây “cảng cạn” được xếp vào “bến cảng” thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư (theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP), tuy nhiên đến Nghị định 118/2015/NĐ-CP lại không đề cập đến cảng cạn khi xác định ngành nghề ưu đãi ĐT. “Rất mừng là Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ KH&ĐT bổ sung vào ngành nghề ưu đãi ĐT tuy nhiên trong Dự thảo Nghị định chúng tôi vẫn chưa thấy có tên ngành nghề này trong danh mục…?” - DN băn khoăn.
Lắng nghe và giải đáp các ý kiến đóng góp, đại diện BST, ông Hoàng Mạnh Phương thừa nhận có nhiều ý kiến rất xác đáng, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu tiếp thu.