Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Bất ngờ giảm công suất năng lượng tái tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dự thảo Quy hoạch điện VIII sau nhiều lần chỉnh sửa đã được Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối việc tăng công suất nhiệt điện than, giảm công suất năng lượng tái tạo.

Theo Bộ Công Thương, quan điểm xây dựng dự thảo lần này là rà soát ưu tiên phát triển những dự án có vị trí, quy mô, thời điểm phù hợp với các tính toán tối ưu tại chương trình phát triển nguồn điện của Quy hoạch điện (QHĐ) VIII.

Theo hướng đó, các dự án nguồn điện ở khu vực phía Bắc sẽ được ưu tiên phát triển để tăng cường khả năng cung cấp nội miền, giảm thiểu sản lượng điện truyền tải từ khu vực miền Trung, miền Nam ra miền Bắc. Đồng thời, sẽ xem xét giãn tiến độ các dự án nguồn điện tại miền Trung, rà soát đầu tư hợp lý các dự án nguồn điện tại miền Nam.

Nguồn điện năng lượng tái tạo bị giảm mạnh trong dự thảo mới.

Nguồn điện năng lượng tái tạo bị giảm mạnh trong dự thảo mới.

Sự điều chỉnh trên xuất phát từ thực tế phát triển nguồn điện những năm gần đây chưa phù hợp với sự phân bố và phát triển phụ tải. Theo đó, khu vực miền Bắc có tốc độ tăng trưởng điện năng tiêu thụ và công suất phụ tải (Pmax) cao nhất trong 3 miền, tương ứng ở mức bình quân 9,1% và 9,3%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng công suất nguồn chỉ đạt 4,7%/năm, dẫn tới tỷ lệ chênh lệch công suất lắp đặt/Pmax giảm dần từ mức 55% năm 2016 xuống 31% năm 2020. Khả năng tự cân đối cung - cầu của hệ thống điện miền Bắc đã giảm dần, phụ thuộc nhiều vào thủy văn, dẫn tới tiềm ẩn rủi ro không đáp ứng nhu cầu phụ tải, đặc biệt trong giai đoạn mùa khô.

Miền Trung và miền Nam có tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp hơn so với miền Bắc, chỉ đạt 5-7%. Tuy nhiên, nguồn điện phát triển mạnh với mức tăng bình quân 16%/năm tại miền Trung và 21%/năm tại miền Nam dẫn tới tỷ lệ chênh lệch công suất lắp đặt/Pmax của 2 miền ở mức rất cao, tương ứng mức 237% và 87%. Tình trạng thừa điện ở miền Nam và thiếu điện ở miền Bắc đang hiển hiện.

Tập đoàn điện lực Việt Nam cũng thừa nhận, hiện nay đang có xu hướng truyền tải điện từ miền Nam ra miền Bắc. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phải tăng công suất nhiệt điện than, giảm công suất đặt của điện năng lượng tái tạo (vốn là thế mạnh ở khu vực miền Trung và Nam).

Theo dự thảo, tổng công suất đặt nguồn điện tại phương án phụ tải cơ sở sẽ là 130.370 MW (giảm khoảng 7.700 MW so với phương án đưa ra tại Tờ trình số 1682/TTr-BCT ngày 26/3/2021). Công suất nguồn điện giảm chủ yếu từ các nguồn NLTT và sản lượng điện nhập khẩu từ Lào, với mức giảm gần 10.000 MW. Cụ thể, so với Dự thảo trước thì tổng công suất lắp đặt năng lượng tái tạo toàn hệ thống giảm 7.688 MW vào năm 2030 và 15.046 MW vào năm 2045.

Ngoài ra, dự thảo lần này đã tăng công suất thủy điện (năm 2030 lắp đặt thêm 612 MW, năm 2045 thêm 3305 MW) để bù cho phần giảm của điện gió, mặt trời và sinh khối. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chính nhờ việc tăng công suất này mà dự thảo Bộ Công Thương vừa trình phù hợp với chỉ tiêu của Nghị quyết 55-NQ/TW.

Nhưng điều gây bất ngờ chính là việc Bộ Công Thương quyết định trình tăng nguồn điện than (thêm khoảng 3.607 MW so với Tờ trình 1682/TTr-BCT) để tiếp tục bù lại sản lượng điện thiếu hụt, sau khi loại bớt nguồn điện năng lượng tái tạo. Như vậy, theo dự thảo mới nhất, tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời sẽ giảm từ mức 26,5% xuống còn 23,4% tổng công suất các nguồn điện, trong khi tỷ lệ các nguồn điện than tăng từ 27,2% lên 31% tổng công suất đặt các nguồn điện.

Đáng chú ý, trong dự thảo mới, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực được lựa chọn trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 99,32 tỷ USD, trong đó vốn cho phát triển nguồn điện khoảng 85,74 tỷ USD, cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỷ USD (theo dự thảo cũ, tổng chi phí cho truyền tải khoảng 32,9 tỷ USD). Như vậy, theo dự thảo mới này, tổng số vốn cần để thực hiện QHĐ VIII sẽ giảm khoảng 28 tỷ USD so với dự thảo tháng 3/2021.

Đặc biệt, trong dự thảo này, Bộ Công Thương đã đưa ra giải pháp xây dựng thiết chế về tính kỷ luật và tuân thủ việc thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để đảm bảo tuân thủ tuyệt đối Quy hoạch đã được phê duyệt. Bộ này cho rằng, ách tắc ở bất cứ khâu nào nếu không được quan tâm sát sao, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời cũng có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch, dẫn đến thiếu điện cho đất nước, giảm hiệu quả đầu tư dự án, thậm chí thất thoát, lãng phí như đã thấy thời gian qua ở một số dự án lớn.

Đọc thêm