Dự thảo thông tư của Bộ Y tế chất thêm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp?

(PLO) -Dự thảo Thông tư quy định việc kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều và những lo ngại tác động xấu tới môi trường môi trường kinh doanh.

Không những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, mà còn của các đơn vị thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu, bởi những quy định đi ngược lại xu thế về tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh  mà Chính phủ đang yêu cầu thực hiện.

Cụ thể,  tại các Khoản 2, Điều 3; Khoản 2 và 3, Điều 11; Khoản 1, Điều 12 và Khoản 1 Điều 20 của dự thảo thông tư  trên, Bộ Y tế đã ra thêm một quy định về thủ tục trung gian: “Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” tại Cục An toàn thực phẩm hoặc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, thành phố được chỉ định.

Quy định mới này của Bộ Y tế đã trái với quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 38 Luật An toàn thực phẩm. Theo Điều 38 thì đơn vị cấp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu là cơ quan kiểm tra đối với từng lô hàng nhập khẩu.

Cụ thể, Nghị định 38/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, tại Điều 14 Khoản 3 cũng nêu rõ: Bộ Y tế chỉ có trách nhiệm “kiểm tra và cấp thông báo kết quả kiểm tra cho lô hàng nhập khẩu nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên”, chứ không phải là cơ quan kiểm tra theo quy định của Luật.

Nếu những quy định trái luật và không phù hợp với nhiệm vụ, chức năng của Bộ Y tế trong dự thảo thông tư như trên được thông qua sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và làm rối rắm, phức tạp thêm quy định trong lĩnh vực này.

Đây là điều không phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP ban hành tháng 3.2015 vừa qua về yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để nâng vị trí xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới công bố hàng năm.

 Nhiều doanh nghiệp lo ngại trước dự thảo thông tư mới của Bộ y tế, ảnh minh hoạ.

Các chuyên gia cho rằng thủ tục mà dự thảo đang đề xuất ở trên sẽ làm kéo dài thời gian thông quan của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, quy định này còn làm phát sinh thời gian thực hiện thủ tục gửi kết quả "Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu” cho chính các tổ chức kiểm tra do Bộ Y tế chỉ định để thực hiện chức năng gác cổng về vấn đề an toàn thực phẩm nhập khẩu.

Hiện nay, theo Báo cáo kinh doanh (Doing Bussiness) của WB, trong số 189 nền kinh tế được đánh giá và xếp loại năm 2014, Việt Nam xếp thứ 75 về chỉ số Thương mại qua biên giới – chỉ số nhằm so sánh mức độ thuận lợi khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa bằng đường biển. Thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục nhập khẩu của Việt Nam hiện còn 21 ngày, cao hơn gấp 5 lần so với Singapore (4 ngày), gần 3 lần so với Malaysia (8 ngày) và gần 2 lần so với Thái Lan  (13 ngày).

Với thực tế như phân tích ở trên, có thể thấy nếu các bộ, ngành tiếp tục đặt ra những quy định như Bộ Y tế, sẽ không thực hiện được yêu cầu cải cách, rút ngắn thủ tục, thời gian mà Chính phủ đặt ra. Và như vậy, các quy định “trái chiều” này cần bãi bỏ ngay từ khi xây dựng để thực hiện đúng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính hiện nay.

Đọc thêm