Bãi bỏ điều kiện kinh doanh sau giờ “G”: Luật sư sẽ tha hồ việc?

(PLO) - Theo tinh thần Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, sẽ có khoảng trên 1.600 điều kiện kinh doanh được ban hành bởi Thông tư  sẽ đương nhiên hết hiệu lực, nhưng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu họ - tức cơ quan ban hành vẫn áp dụng thì liệu các Tòa án có sẵn sàng tiếp nhận đơn khiếu kiện?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Vấn đề được đặt ra tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp (DN) và hoàn thiện pháp luật về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua (13/5).
Nghị định chỉ hướng dẫn 4 điều
Theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), một điểm mới của việc triển khai Luật DN lần này là Chính phủ không được ban hành hướng dẫn chung chung, chỉ hướng dẫn những nội dung mà Quốc hội giao. 
Theo Luật DN 2014 (có hiệu lực từ 1/7), có 4 nội dung Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn liên quan đến DN xã hội (Điều 10); con dấu DN (Điều 44); sở hữu chéo (Điều 189) và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước (Điều 208).. 
Ông Hiếu lưu ý, sau Nghị định này cũng không có thông tư hướng dẫn và đương nhiên những gì đang áp dụng mà Luật DN 2014 và Nghị định này không quy định thì đương nhiên không phải bàn đến nữa.
Tuy nhiên, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung vẫn tỏ ra băn khoăn khi hiện tại vẫn đang có quá nhiều ĐKKD. Ông nhớ con số chính xác là 5.588 ĐKKD, trong đó có 1.609 ĐKKD  được ban hành bởi Thông tư sẽ đương nhiên hết hiệu lực thi hành từ 1/7 tới.
Trong số trên 1.600 ĐKKD này, Bộ GTVT có khoảng 170 ĐKKD, Bộ NN&PTNT 252 ĐKKD, Bộ Y tế 273 ĐKKD, Bộ TN&MT 200 ĐKKD, Ngân hàng Nhà nước 200 ĐKKD… Điều ngạc nhiên, theo ông Cung,  Luật DN 2014 chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ có hiệu lực mà có Bộ, ngành đang dự thảo Thông tư, trong đó vẫn quy định về ĐKKD (!?). 
Ông Cung cũng lưu ý, ĐKKD chỉ được ban hành với 4 lý do: Quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự và an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng động. ĐKKD chỉ được quy định ở các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; Bộ, Cơ quan ngang Bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
“Đây không phải điều mới. Luật DN 2000, 2005 cũng đã quy định tương tự, khác biệt lần này là quy định ở Luật đầu tư”- ông Cung nhấn mạnh.
“Thầy cãi” có đất sống?
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, có 2 thách thức khi triển khai Luật DN từ 1/7, đó là tinh thần tự do kinh doanh khi thực tế vẫn có rất nhiều quy định không đáp ứng được yêu cầu của luật và tinh thần của Luật DN có được giữ ngay trong các nội dung hướng dẫn.
“Hiện nay Luật DN đã bãi bỏ ngành nghề kinh doanh nhưng vẫn bắt DN kê khai ngành nghề kinh doanh, thậm chí yêu cầu DN áp mã ngành nghề kinh doanh…”- ông Tuấn dẫn chứng.
Dẫn ra một loạt ĐKKD “ngang trái” như điều kiện về số lượng xe mà DN kinh doanh vận tải hành khách phải có, ĐKKD xuất khẩu gạo… ông Cung cho biết những quy định đó ngày càng nhiều, thậm chí nếu có bị bãi bỏ trước đây cũng dần được khôi phục lại như: Giấy phép hoạt động in, Giấy chứng nhận đủ điều kiện an ninh trật tự…
“Có hai tình huống xảy ra: Thứ nhất, từ 1/7 các giấy phép đó đương nhiên hết hiệu lực. Do vậy, các DN không cần phải áp dụng…” - nói đến đây, cả hội thảo vỗ tay rầm rầm và theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC, những hội thảo có vỗ tay giữa chừng như thế rất ít. 
Tuy nhiên, tình huống thứ hai mà ông Cung có lý do để lo ngại đó là họ (các Bộ, ngành ban hành Thông tư quy định ĐKKD) vẫn cứ áp dụng, gây khó khăn cho DN thì sao? 

“Nếu khoảng cách lớn giữa luật và thực hiện luật đã tồn tại nhiều năm vẫn tiếp tục tồn tại, “không bị mòn như bia đá” mà vẫn “trơ trơ như bia miệng” thì cá nhân, cơ quan nhà nước nào phải chịu trách nhiệm? DN, người dân phải làm gì để thực thi đúng Hiến pháp, Luật đầu tư, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? Liệu các Tòa án có sẵn sàng tiếp nhận đơn khiếu kiện của DN và người dân hay không?” - ông Cung đặt vấn đề. Theo ông, đây mới là vấn đề quan trọng.
Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung dự đoán, đây sẽ là “mảnh đất màu mỡ” tạo công ăn việc làm cho các luật sư… 
Ông Ngô Việt Hòa, Cty Luật Russin & Vecchi:
Thành lập “Ban đặc nhiệm” rà soát điều kiện kinh doanh 
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật dường như đang nỗ lực đưa ra cơ chế kiểm soát việc ban hành ĐKKD, thông qua cơ chế tham vấn của cơ quan ban hành chính sách với VCCI. Đề xuất này nếu được thông qua, có thể tăng thêm tiếng nói phản biện từ DN, nhưng chắc vẫn chưa thể triệt để. Bởi VCCI dù có tiếng nói lớn hơn nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.
Nên chăng, trước mắt cần thành lập một “Ban đặc nhiệm” về rà soát ĐKKD giúp Chính phủ xử lý vấn đề này. Thành phần “Ban đặc nhiệm”  cần đồng thời bao gồm đại diện giới chuyên gia, cộng đồng DN và các nhà quản lý. “Ban đặc nhiệm” cần được trao quyền tối đa để “dọn dẹp” tất cả các ĐKKD bất hợp pháp, bất hợp lý, bất bình dẳng…, cản trở hoạt động, quyền tự do kinh doanh của DN.

Đọc thêm