Khởi động trạng thái “bình thường mới”
Dự thảo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 được xây dựng trong bối cảnh cả thế giới chứng kiến sự bùng phát và tác động đáng kể đến nhiều lĩnh vực của đại dịch toàn cầu mang tên Covid-19. Sự bùng phát của đại dịch đã khởi động trạng thái “bình thường mới” ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.
Trong “bình thường mới”, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào đại dịch được đẩy lùi mà không tạo ra thiệt hại nặng nề cho phát triển kinh tế? Một nhiệm vụ quan trọng không kém là nhìn nhận thẳng thắn và giải quyết các thách thức về môi trường – biến đổi khí hậu và các vấn đề về an sinh xã hội vốn hiện hữu lâu nay, đã trở nên cấp thiết hơn từ đại dịch Covid-19.
Vì vậy, năm 2020 là thời gian lý tưởng để tổng kết và rút kinh nghiệm từ việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) giai đoạn 5 năm 2016 – 2020 và thực thi Luật NSNN 2015. Đồng thời, năm 2020 cũng mang đến những bài học đáng lưu ý trong việc xác định kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách giai đoạn 5 năm 2021 – 2025 sắp tới, trong đó có mục tiêu phát triển và Dự toán NSNN năm 2021. Ngoài ra, 2020 là thời gian chín muồi để đẩy mạnh việc hiện thực hóa cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Dự toán ngân sách năm 2021 phải đảm bảo mục tiêu kép |
Đây là những vấn đề được đưa ra tại Tọa đàm “NSNN năm 2021 trong bối cảnh bình thường mới” do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) - thành viên của Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP) tổ chức hôm 2/11.
Chưa có giái pháp tăng thu, chưa rõ nội dung chi
Về tính khả thi của thu NSNN năm 2021, Dự thảo ước thực hiện dự toán thu năm 2020 giảm mạnh trong khi thu NSNN được dự toán tăng là một thách thức lớn. Trong cơ cấu thu ngân sách, tỷ trọng thu nội địa được dự báo tăng, nguồn thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu giảm. Cụ thể, dự toán thu nội địa năm 2021 xấp xỉ với ước thực hiện năm 2020 (101.6%), khi ước thực hiện dự toán thu nội địa năm 2020 chỉ đạt 88.25% so với dự toán 2020. Đáng chú ý, Báo cáo thuyết minh chưa đưa ra các giải pháp chính sách để tăng thu khả thi từ nguồn này.
Về chi ngân sách, Dự thảo dự toán NSNN năm 2021 xác định 4 nguyên tắc phân bổ dự toán chi, tring đó nguyên tắc thứ nhất nêu ưu tiên “chi đầu tư phát triển, tiếp tục bố trí tập trung, tránh phân tán; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao tự chủ đơn vị sự nghiệp”. Tuy nhiên, nguyên tắc này chưa làm rõ các nội dung chương trình hoặc lĩnh vực cần bố trí ngân sách tập trung hoặc lĩnh vực/ngành cần cắt giảm ngân sách. Đặc biệt, mức độ ưu tiên chi tiêu NSNN để phát triển KT-XH vùng dân tộc, miền núi Chương trình Mục tiêu Quốc gia số 3 - Chương trình này là cơ chế quan trọng để góp phần thực hiện yêu cẩu “không bỏ ai lại phía sau”.
Về rủi ro tài khóa phát sinh, bội chi NSNN năm 2021 dự kiến khoảng 4% GDP điều chỉnh, nợ công khoảng 46,1% GDP điều chỉnh. Tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP điều chỉnh mặc dù chưa chạm đến mức trần được Quốc hội phê duyệt, nhưng ở ngưỡng khá cao theo quy mô GDP chưa điều chỉnh. Do vậy, các ý kiến cho rằng, dự thảo dự toán NSNN năm 2021 cần làm rõ tình hình bội chi, dư nợ công hiện tại; và ý nghĩa với an ninh tài chính quốc gia và các chỉ số khác để đánh giá an toàn nợ công khi tỷ lệ nợ công được tính toán theo GDP điều chỉnh.
Các ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh thực hiện mục tiêu kép – vừa tập trung cho công tác phòng chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, mục tiêu “phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” của NSNN 2021 cần đảm bảo các đối tượng thụ hưởng chính sách, đặc biệt là nhóm yếu thế, nhóm dễ bị tổn thương tiếp cận được lợi ích chính sách mang lại, và có khả năng “chống đỡ” trước các khủng hoảng từ dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh, trong đó người dân miền Trung chịu ảnh hưởng mưa bão.
TS. Trịnh Tiến Dũng - nguyên Trưởng ban Quản trị quốc gia, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc ở Việt Nam - khẳng định: “Leave No One Behind – Không bỏ ai lại phía sau” là thông điệp xuyên suốt của Chương trình nghị sự mới của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2015 - 2030 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
“Như vậy, quá trình lập, quyết định và chấp hành dự toán NSNN hàng năm từ sau năm 2015 phải bảo đảm được nguồn lực để hiện thực hóa yêu cầu nêu trên. Muốn vậy, cần nắm rõ tác động của các yếu tố ảnh hưởng chính đến các nhóm đối tượng thụ hưởng ngân sách, nhất là các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương nhất”.-TS Dũng nhấn mạnh.
Các ý kiến về “NSNN năm 2021 trong bối cảnh bình thường mới” sẽ được BTAP tổng hợp và gửi tới đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự thảo dự toán NSNN 2021 vào ngày 3 – 4/11/2020.
Năm thứ 3 liên tiếp công khai dự thảo dự toán NSNN
Thực hiện quy định của Luật NSNN, trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Bộ Tài chính đã biên soạn và phát hành “Báo cáo công khai dự toán NSNN năm 2021 Chính phủ trình Quốc hội” nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ và chính xác những thông tin chủ yếu liên quan đến đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ NSNN năm 2020 và dự kiến dự toán thu chi NSNN năm 2021 trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 xem xét, quyết định. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Bộ Tài chính công khai và công khai đúng hạn Dự thảo dự toán NSNN.
Bản báo cáo gồm 4 phần: Đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020; Dự kiến dự toán NSNN năm 2021; Kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2021-2023; Phụ lục số liệu liên quan.
Hiện Báo cáo đang được đăng tải công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính nhằm lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đưa công tác xây dựng dự toán NSNN ngày càng minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và hướng tới các mục tiêu phục vụ xã hội, cộng đồng một cách tốt nhất.