[links()]* Toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại Lễ trao danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu 2012.
Thưa các đồng chí và các bạn!
Hòa trong niềm vui chung cùng cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9, ngành Tư pháp kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống, hôm nay, Bộ Tư pháp tổ chức Lễ trao danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã luôn quan tâm đến ngành Tư pháp, đến công tác Tư pháp, đến giới luật sư và hôm nay đã dành thời gian quý báu đến dự buổi lễ của chúng ta. Nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo các ngành, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các vị đại biểu, các luật sư và đại diện các hãng luật đến từ mọi miền Tổ quốc được vinh danh ngày hôm nay. Chúc buổi lễ thành công tốt đẹp.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Hà Hùng Cường và các đại biểu dự Lễ trao danh hiệu |
Thưa các đồng chí và các bạn!
Trong những năm qua, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, đất nước ta đã giành được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đây cũng là chặng đường để lại dấu ấn lịch sử với việc đường lối của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể chế hóa ngày càng sâu sắc trong hệ thống pháp luật, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai đồng bộ các bản chiến lược, chương trình cải cách dài hạn trong các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Sự nghiệp đó đã mở ra cho ngành Tư pháp những cơ hội hết sức thuận lợi, nhưng đồng thời cũng đặt ra những trọng trách nặng nề xen lẫn những thách thức to lớn.
Đối với đội ngũ luật sư, Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định vị trí, vai trò quan trọng của luật sư trong việc tăng cường tranh tụng và tư vấn pháp lý. Thực tiễn thực hiện cải cách tư pháp vừa qua đã chứng minh rằng, không thể có phiên tòa xét xử theo tinh thần cải cách, nếu thiếu sự tham gia tranh tụng của các luật sư có năng lực, trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Và cũng không thể phát triển tốt hoạt động đầu tư kinh doanh, nếu thiếu sự tư vấn pháp luật đúng đắn của luật sư, cũng như để hội nhập quốc tế thành công, không thể không có những luật sư nắm vững pháp luật quốc tế và thông thạo ngoại ngữ. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước đã và đang hết sức quan tâm đến việc củng cố vai trò, vị trí của nghề luật sư cũng như đổi mới về tổ chức, hoạt động của luật sư. Với việc ra đời của Pháp lệnh Luật sư năm 2001 và Luật Luật sư năm 2006, có thể nói trong một thập niên qua, giới luật sư Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng (hiện cả nước đã có hơn 7.200 luật sư, hoạt động trong hơn 2.900 tổ chức hành nghề luật sư và hơn 3.500 luật sư tập sự); hệ thống tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư được củng cố một bước rất quan trọng với việc thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam và củng cố 62 Đoàn Luật sư/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư cho cá nhân, tổ chức tăng cả về số lượng và nâng cao một bước về chất lượng, góp phần tích cực bảo vệ công lý, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, doanh nghiệp phục vụ tích cực cho công cuộc cải cách tư pháp, góp phần tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, cùng với vận hội phát triển, giới luật sư và nghề luật sư ở nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ cả trên bình diện số lượng luật sư cũng như chất lượng hoạt động. Về số lượng, mặc dù chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc như đã nêu trên, song tỷ lệ luật sư trên số dân ở nước ta vẫn vào hàng thấp trên thế giới, ước chỉ khoảng 1 luật sư/12.000 dân. Về chất lượng, nhìn chung luật sư chưa đáp ứng được đòi hỏi của hoạt động tranh tụng theo yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu dịch vụ tư vấn ở trong nước, và nhất là khả năng, kinh nghiệm tranh tụng, tư vấn quốc tế thì lại càng yếu. Thêm nữa, ý thức rèn luyện về đạo đức hành nghề của một bộ phận luật sư chưa tương xứng với đòi hỏi của nghề nghiệp và sự trông đợi của xã hội. Hiện tượng chạy án, móc ngoặc trong hoạt động bào chữa tại tòa án, cũng như các tranh chấp, kiện tụng giữa luật sư và khách hàng không phải là không xảy ra.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư, nghề luật sư phù hợp với Chiến lược phát triển nghề luật đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, thời gian qua, cùng với việc đề xuất xây dựng, trình Quốc hội Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề án bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện. Được tổ chức ba năm một lần, với mục đích nhằm tôn vinh những tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có thành tích cao, có đóng góp thiết thực cho cộng đồng bằng hoạt động nghề nghiệp của mình và những cá nhân có những cống hiến cho nghề luật sư, hoạt động bình chọn hãng luật, luật sư tiêu biểu một mặt sẽ góp phần thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước đối với luật sư, nghề luật sư, mặt khác cũng đáp ứng nguyện vọng của đông đảo luật sư trong việc tạo ra một sân chơi chung cho giới luật sư Việt Nam, để qua đó được vinh danh cũng như xây dựng uy tín, quảng bá thương hiệu của mình. Thông qua việc bình chọn này, chẳng những người dân, các doanh nghiệp, tổ chức -những “khách hàng” chủ yếu của luật sư… được hưởng lợi từ việc tiếp cận thông tin, lựa chọn dịch vụ pháp lý phù hợp với nhu cầu của mình mà các cơ quan nhà nước hữu quan cũng có thêm thông tin để có căn cứ thực tiễn xác đáng cho việc quản lý, định hướng hoạt động của giới luật sư, của nghề luật sư trong tương lai.
Thưa các đồng chí và các bạn!
Như đồng chí Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam đã báo cáo, thời gian qua, với tư cách là đơn vị được Bộ Tư pháp giao chủ trì triển khai Đề án, Báo Pháp luật Việt Nam đã rất cố gắng, từ việc thành lập Ban tổ chức, Hội đồng bình chọn, xây dựng Quy chế bình chọn, đến việc thu hút các nhà tài trợ ủng hộ chương trình, tổ chức các cuộc hội thảo để thu thập ý kiến đóng góp về chuyên môn, tiến hành các hoạt động khảo sát, thăm dò dư luận xã hội, ý kiến của bạn đọc… Và kết quả là, như chúng ta đã thấy, Lễ trao danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu được tổ chức trang trọng ngày hôm nay.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi nồng nhiệt chúc mừng 10 tổ chức luật sư đạt danh hiệu “Hãng luật tiêu biểu”, 5 luật sư đạt danh hiệu “Luật sư tiêu biểu”, 3 luật sư đạt danh hiệu “Luật sư vì cộng đồng” và 5 công ty luật với 5 danh hiệu “Vụ việc của năm”. Đặc biệt, trong lần bình chọn này, Ban Tổ chức cũng đã lựa chọn và suy tôn 5 cá nhân có những cống hiến tiêu biểu cho nghề luật sư, trong đó có đồng chí Trương Vĩnh Trọng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, người đã luôn chia sẻ những lo lắng, trăn trở về luật sư, nghề luật sư và đã có những đóng góp mang tính quyết định trong việc chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ nhất năm 2009, thành lập ra Liên đoàn Luật sư Việt Nam - ngôi nhà chung của giới luật sư.
Thưa các đồng chí và các bạn!
Cá nhân tôi cho rằng, các tổ chức luật sư và luật sư được giải lần này mới chỉ là những đại diện tiêu biểu của cả giới luật sư cả nước, vì có không ít tổ chức luật sư, luật sư có rất nhiều thành tích, nhưng vì một lý do nào đó đã không tham gia cuộc bình chọn này. Tôi mong rằng, với các đợt bình chọn tiếp theo, sẽ có nhiều tổ chức luật sư và luật sư tiêu biểu được trao tặng các danh hiệu này. Một đội ngũ luật sư ngày càng đông đảo về số lượng, mạnh về chất lượng chuyên môn, dày dạn về kinh nghiệm và tin cậy về phẩm chất đạo đức sẽ góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, vào việc thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” cũng như vào việc bảo vệ quyền công dân, quyền con người, thực thi công lý.
Nhân dịp này, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi cũng xin ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Báo Pháp luật Việt Nam, các đồng chí trong Ban Tổ chức, Ban Thư ký và Hội đồng bình chọn đã thực hiện thành công Đề án này trong năm 2012; cảm ơn các nhà tài trợ, các cơ quan báo chí, truyền thông đã cộng tác nhiệt tình với Bộ Tư pháp, với Báo Pháp luật Việt Nam góp phần làm nên thành công của buổi lễ hôm nay. Trên cơ sở thành công của việc tổ chức bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu trong năm nay, tôi đề nghị trong lần tổ chức tiếp theo, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí bình chọn, để xây dựng kế hoạch tổ chức những lần bình chọn tiếp theo, đưa chương trình bình chọn danh hiệu Hãng luật và Luật sư tiêu biểu trở thành một sinh hoạt nghề nghiệp của giới luật sư. Qua đó, Nhà nước, xã hội cùng các tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư chung tay, góp sức vinh danh các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư có thành tích, cống hiến cho nghề nghiệp và cho xã hội. Qua hoạt động lần này, tôi cũng đề nghị Đoàn Luật sư các địa phương, các tổ chức hành nghề luật sư tích cực hơn nữa trong việc tham gia chương trình bình chọn, góp phần tôn vinh nghề nghiệp luật sư trong xã hội.
Cuối cùng, thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, một lần nữa tôi xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Viện trưởng Viện KSNDTC và các đồng chí lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; chân thành cảm ơn và chúc sức khỏe các vị đại biểu, các luật sư đã đến dự buổi lễ hôm nay. Chúc toàn thể các vị đại biểu và các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, nhiều thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn!
(Tiêu đề do PLVN đặt)