Đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống: Phòng, chống tham nhũng - Hoàn thiện thể chế là giải pháp xuyên suốt

(PLVN) - Đánh giá công tác kiểm tra, giám sát gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã làm rất tốt, kiên quyết, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương - cho rằng giải pháp căn cốt, xuyên suốt, triệt để tới đây là phải hoàn thiện thể chế cho cuộc đấu tranh này.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng.

Bốn trụ cột trong phòng, chống tham nhũng

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự”.

Theo Ban Nội chính Trung ương, điểm mới rất quan trọng trong quan điểm chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) là “quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn” và “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác đấu tranh PCTN. Qua tổng kết công tác PCTN nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng cho thấy một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công của công tác PCTN là có sự quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, mạnh mẽ, với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, Quốc hội, Chính phủ; sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đúng theo quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, tạo được bước đột phá trong công tác PCTN. Do vậy, những quan điểm chỉ đạo đúng đắn trên tiếp tục được nhấn mạnh, khẳng định và nâng cấp độ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Để cụ thể hóa mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo, Văn kiện Đại hội XIII đã xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp có tính mới, đột phá trong đấu tranh PCTN. Trong đó, Văn kiện đã nhấn mạnh tới các giải pháp để hình thành cơ chế “không muốn tham nhũng”, “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng” và “không cần tham nhũng”. Ban Nội chính Trung ương cho rằng, đây là 4 trụ cột trong công cuộc đấu tranh PCTN trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Những vấn đề lý luận và thực tiễn mới” diễn ra mới đây, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương – nhấn mạnh, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, quan điểm chỉ đạo thể hiện rất sâu sắc là xây dựng Đảng là then chốt. Văn kiện lần này đề cập đến việc xây dựng Đảng cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức, thể hiện trên 10 nhiệm vụ, trong đó gắn cả việc dựa vào dân để xây dựng Đảng, công tác dân vận, công tác kiểm tra giám sát gắn liền với đấu tranh PCTN… “Trong từng nội dung đều có các giải pháp. Ví dụ, trong công tác cán bộ, chúng ta nhấn mạnh đến công tác đánh giá chất lượng của đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là những người đứng đầu, lãnh đạo cấp ủy. Ngoài ra, Văn kiện còn có vấn đề liên quan đến thiết chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám dấn thân, dám đổi mới, dám sáng tạo vì lợi ích chung”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói.

Hoàn thiện thể chế là giải pháp căn cốt

Đánh giá công tác kiểm tra, giám sát gắn với công tác đấu tranh PCTN thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã làm một cách kiên quyết, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, còn chưa đủ. Theo Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những giải pháp mang tính tiền đề, căn cốt xuyên suốt, triệt để là phải hoàn thiện thể chế cho công cuộc đấu tranh PCTN. “Tới đây sẽ phải làm thế nào để không thể, không dám, không muốn tham nhũng? Hoàn thiện hệ thống pháp luật thế nào để ngăn chặn được nguy cơ vi phạm? Chế tài ra sao để khi cán bộ bắt tay vào việc làm cảm thấy yên tâm. Điều quan trọng là chế độ, chính sách cụ thể để cán bộ không muốn tham nhũng”, ông Thắng nói.

Đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp PCTN, Ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh việc phải xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN và thể chế về PCTN, hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Theo Ban Nội chính Trung ương, cần thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, quan điểm của Đảng về PCTN, hoàn thiện quy định pháp luật về PCTN, về quản lý kinh tế - xã hội trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như đầu tư xây dựng, đấu thầu, thu - chi ngân sách…

Trước mắt, cần tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định quản lý nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong PCTN; khẩn trương hoàn thiện các quy định về kiểm soát quyền lực để PCTN, nhất là lĩnh vực công tác tổ chức, cán bộ, quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản công…

Bên cạnh đó, phải chú trọng kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các biện pháp bảo đảm để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin theo quy định của pháp luật…

Với những quan điểm và quyết tâm mới trong công tác PCTN theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhân dân càng có cơ sở để tin tưởng công cuộc đấu tranh PCTN trong nhiệm kỳ mới sẽ thu được những kết quả tích cực, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Đọc thêm