Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Phát huy giá trị văn hóa trong phát triển đất nước

(PLVN) - Nhấn mạnh vai trò quan trọng của nền văn hóa và con người Việt Nam trong phát triển đất nước, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu: Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Coi trọng xây dựng văn hóa trong chính trị

Báo cáo chính trị và các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục một cách nhất quán các phương hướng phát triển về văn hóa, con người… đã được khẳng định trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng. Đồng thời, trên cơ sở những nhận thức mới về lý luận, những yêu cầu mới đặt ra của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian tới, các văn kiện Đại hội XIII cũng bổ sung, phát triển thêm nhiều nội dung mới.

Trong đó, Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Đặc biệt, để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao trong công tác cán bộ, văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh yêu cầu “đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị”.

Có thể nói, đề cao và thực hiện tính tiên phong trong văn hóa ứng xử là một nội dung quan trọng của việc xây dựng “văn hóa trong chính trị”, trong đó chú trọng chăm lo văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể - một yêu cầu đã được đặt ra từ Hội nghị Trung ương 9, khóa XII - coi xây dựng văn hóa trong Đảng như “nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.

Theo đó, mục tiêu chung của Nghị quyết số 33-NQ/TW (Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XII) đã đặt ra yêu cầu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ… Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bởi vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng như các đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội XIII nhấn mạnh là “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Hình thành văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp

Không chỉ nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong chính trị, Đảng ta cũng luôn quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Cụ thể, phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên toàn dân, trước hết là các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển các thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong điều kiện chúng ta phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng thì văn hóa càng phải thẩm thấu sâu hơn vào kinh tế, trước hết là những con người làm kinh tế để hình thành văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp.

Bàn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Trọng Chuẩn, nguyên Viện trưởng Viện Triết học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nhân văn Việt Nam cho rằng, trong tình hình mới, cùng với chú trọng nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức, cần quan tâm hơn nữa tới việc trang bị “phông văn hóa”, đưa văn hóa thẩm thấu vào mọi hoạt động kinh tế, giúp con người nhận thức được trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội… Những bài học về đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh và văn hóa ứng xử trong kinh doanh cần phải được lan tỏa song hành với kiến thức - kỹ năng kinh doanh, khởi nghiệp.

Ở một khía cạnh khác, các chủ thể doanh nghiệp thời hiện đại nếu thiếu văn hóa và triết lý kinh doanh, tư duy hạn hẹp thì không thể thu hút được nhân tài. Do vậy, văn hóa quản trị doanh nghiệp tiên tiến, hiện đại là điều mà các doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp muốn thành công và vươn xa cần phải có. Trong đó có việc sử dụng một cách hợp lý, khoa học nguồn nhân lực, phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của con người.

Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo Liên hiệp, các Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Khoa học - Kỹ thuật và đại biểu văn nghệ sĩ, trí thức, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ đã đề nghị nâng cao hiệu quả của hoạt động lao động văn hóa, sáng tạo tri thức, tạo ra những sản phẩm, công trình có giá trị cao, thiết thực, góp phần hiện thực hóa một cách sinh động Nghị quyết Đại hội XIII trong đời sống thực tiễn.

Những nội dung trên chính là những yếu tố cốt lõi để xây dựng và phát huy những phẩm chất tốt đẹp, hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thuộc các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế - xã hội… Do vậy, các giá trị văn hóa phải ngày càng được bồi đắp, giữ gìn và phát huy trong mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước nói chung và trong từng hành động, thái độ ứng xử của cán bộ, đảng viên, doanh nhân… nói riêng.

Đọc thêm