Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống: Quyết tâm vận động nông dân phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn

(PLVN) - Một trong những yêu cầu khi thực hiện nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là việc cấp ủy, tổ chức Đảng phải tập trung xây dựng chương trình hành động cụ thể hóa bằng các kế hoạch, dự án, đề án khả thi sát với điều kiện thực tế, định lượng được kết quả...
Hội Nông dân Việt Nam vận động nông dân phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa
Hội Nông dân Việt Nam vận động nông dân phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa

Quán triệt yêu cầu này, Hội Nông dân Việt Nam cũng tích cực xây dựng chương trình hành động để đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn, thách thức

Thời gian qua, cán bộ Hội, hội viên nông dân, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã đã thay đổi dần tư duy từ sản xuất nông nghiệp nhỏ sang sản xuất lớn, từ tư duy sản xuất nông hộ sang tư duy sản xuất kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị với sự liên kết "6 nhà" một cách chặt chẽ theo hình thức tổ chức chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Vượt lên khó khăn bởi thiên tai và dịch bệnh, các cấp Hội đã thực hiện tốt vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào thi đua yêu nước. Nông dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, của Hội Nông dân, thực hiện rất tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cán bộ Hội và hội viên nông dân Việt Nam thấy rõ các khó khăn, thách thức cần phải tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc các chủ trương được Đại hội đề ra, từ đó đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động để vượt qua. Đó là, Việt Nam đang chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và thiên tai; đã và đang hình thành một bộ phận nông dân trí thức hay công nhân nông nghiệp có trình độ, kiến thức và kỹ năng sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị nhưng mới được bước đầu, phần đông vẫn phổ biến là kinh tế hộ, thiếu liên kết nên khó cạnh tranh trên thị trường. 

Hiện tại mới có khoảng 8% doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp nên không thể đủ lực chi phối chuỗi giá trị ngành hàng và kết nối cung - cầu. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn đã và đang gặp không ít khó khăn về tiếp cận nguồn, ngân hàng và các thủ tục liên quan đến đất đai. 

Phần lớn nông dân thiếu kỹ năng sản xuất hàng hóa, thiếu kỹ năng nghề, thiếu vốn và các công cụ sản xuất hiện đại. Xã hội nông thôn đang biến đổi sâu sắc về cơ cấu xã hội, giai cấp, dân số, tộc người, tôn giáo, nghề nghiệp… có cả mặt tích cực và tiêu cực đòi hỏi phải từng bước vươn lên, khắc phục hạn chế, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại như Đại hội XIII của Đảng ta đề ra.

6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã xác định: "Hội Nông dân là trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới".

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì nhấn mạnh: "Tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân Việt Nam trong việc trực tiếp thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân". Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ “phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số”.

 Vì vậy, tiếp tục triển khai các quan điểm chỉ đạo của Đảng và sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, mới đây Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ 7 (khóa VII) với một trong những nội dung trọng tâm là cho ý kiến vào Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Dự thảo Chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có nhiều điểm đột phá và điểm mới trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong đó, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp để xây dựng, củng cố, nâng cao mối quan hệ liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong liên doanh sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Theo nội dung dự thảo, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gồm 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Cụ thể là: Quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đến các cấp hội, hội viên nông dân; xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh; Vận động nông dân phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững; Mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ, dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ, tạo nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đọc thêm