Dấu ấn trong đấu tranh phòng chống tham nhũng
Nhìn lại vấn đề giám sát quyền lực trong suốt lịch sử văn minh nhân loại 5.000 năm, ông Cương cho rằng vấn đề giám sát quyền lực đối với quan chức, công chức thường xuyên được đặt ra. Trong thời hiện đại ngày nay, những nước nào cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp phát huy đúng vai trò theo quy định thì chỗ đó đất nước thanh bình, ổn định.
“Ở Việt Nam ta, Hiến pháp nước ta quy định quyền lực thuộc về người dân, người dân nắm toàn bộ quyền lực. Các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của chúng ta thống nhất, có sự phân công lành mạnh và có cơ chế kiểm soát lẫn nhau, rất tích cực. Chúng ta cũng đã xây dựng được Nhà nước mạnh. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi Liên Xô sụp đổ, bối cảnh của Việt Nam có thể nói là cực kỳ khó khăn và nghiêm trọng nhưng chúng ta vẫn vượt qua được, chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn”, ông Cương nhấn mạnh.
Theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, trong nhiệm kỳ XII vừa qua, Đảng, Nhà nước đã quyết liệt trong cuộc chiến chống tham nhũng, nhiều cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý trước pháp luật. Đồng thời trong nhiệm kỳ XII vừa rồi, giám sát quyền lực là một điểm sáng, thông qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng. “Khi Tổng Bí thư trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) thì cuộc đấu tranh này đã chuyển sang một trạng thái khác, là một dấu ấn để đời. Nhiệm kỳ XII, thông qua đấu tranh PCTN, Đảng ta đã vững mạnh hơn, củng cố niềm tin với nhân dân hơn và năng lực cầm quyền tốt hơn nhiều. Điều đó khẳng định thành tựu giám sát quyền lực thông qua sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và bản thân tự Nhà nước cũng đã có sự đổi mới”, Tướng Lê Văn Cương nói thêm.
Theo ông Cương, bên cạnh những thành tựu như vậy, vấn đề giám sát quyền lực hiện nay của chúng ta cũng cần phải bàn thêm. “Đảng, Nhà nước nên tổ chức trao đổi rộng rãi với sự tham gia của các nhà khoa học để giúp Đảng, Nhà nước bàn luận chuyện này vì hệ thống luật pháp của ta hiện nay nhiều nhưng vấn đề giám sát quyền lực là mảng còn nhiều chỗ chưa rõ ràng”, ông nhận định.
Phát huy vai trò giám sát của người dân
Ông Lê Văn Cương bày tỏ vui mừng trước việc Nghị quyết Đại hội Đảng XIII tiếp tục xác định PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách, lâu dài, không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, ông Cương cho rằng, vấn đề giám sát quyền lực đề ra chưa thực cụ thể. “Theo tôi, vấn đề này nên được nhấn mạnh hơn và tìm kiếm cơ chế, sửa đổi các điều luật để thực hiện giám sát quyền lực. Quyền lực càng giám sát chặt chẽ thì tha hóa dưới hình thức tham nhũng giảm đi”, ông Lê Văn Cương nói.
Ông Cương cũng lưu ý, bên cạnh chống tham nhũng, lần này, Nghị quyết Đại hội Đảng XIII cũng đã đưa ra giải pháp phát triển đời sống. Cùng với đó, cũng cần thực hiện cải cách tiền lương, dù đại dịch Covid-19 đang khiến cho những việc này trở nên khó khăn hơn. Riêng về giám sát quyền lực, cần có một chương trình của Đảng, của Nhà nước một cách chặt chẽ hơn. “Đồng thời, tuyển cán bộ vào phải làm theo quy trình mới. Quan điểm của tôi là phải thi tuyển hết, làm cả ở huyện, ở tỉnh và Trung ương. Ví dụ, ở một tỉnh, đến tháng 7 này Giám đốc Sở Giáo dục sẽ nghỉ hưu thì Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ phải công bố với cán bộ chủ chốt của Sở Giáo dục đó là đồng chí A nghỉ, đề nghị các đồng chí lựa chọn một đồng chí làm giám đốc. Tôi tin rằng lựa chọn của hàng trăm con người của Sở đó sẽ sáng suốt hơn. Và có thể cho vài ứng cử viên tranh cử, đưa ra các phương án, cương lĩnh hành động để mọi người lựa chọn. Đầu vào cán bộ phải làm thế”, ông Cương kiến nghị.
Nhấn mạnh vấn đề giám sát quyền lực đã được đề ra trong văn kiện Đại hội Đảng XIII, ông Cương đề nghị thành lập đề án bàn về giám sát quyền lực, đồng thời nên có đề án thi tuyển đầu vào và đề án đánh giá cán bộ. “Đánh giá cán bộ là khâu khó nhất. Do đó, nên có đề án hoàn thiện cơ chế đánh giá cán bộ. Tôi nghĩ văn kiện Đại hội Đảng XIII là văn kiện tích cực, rất hay, rất tuyệt vời nhưng từ văn kiện chung như vậy nên có những đề án của Nhà nước, của Chính phủ để giám sát quyền lực vì đây là vấn đề gốc rễ của tham nhũng và tha hóa. Trong đó, Bộ Tư pháp đóng vai trò quan trọng”, ông Cương nhấn mạnh.
Vẫn theo Thiếu tướng Lê Văn Cương, để giám sát quyền lực, cần có sự kiểm soát đa chiều, cả bên trong lẫn bên ngoài để tránh những tiêu cực có thể phát sinh ở ngay cả các cơ quan chống tham nhũng. “Đồng chí Tổng Bí thư đã nói rằng không có vùng cấm nên ngay cả các cơ quan giám sát cũng phải có chỗ giám sát lại, ngay cả Thanh tra Chính phủ cũng phải có người giám sát thanh tra. Giám sát quyền lực này rất nhiều chiều cạnh: Giám sát quyền lực trong nội bộ các cơ quan nhà nước với nhau, giám sát của cấp trên với cấp dưới và cấp dưới với cấp trên, giám sát quyền lực thông qua quá trình lãnh đạo và giám sát kiểm tra của Đảng, giám sát quyền lực thông qua việc khơi dậy sự ủng hộ và xây dựng Đảng, Nhà nước của người dân. Người dân là tai mắt tuyệt vời, phải dùng nhân dân để giám sát. Điều lệ Đảng đã nói về việc này, nói rõ dựa vào dân để xây dựng Đảng. Do đó, chúng ta phải có các chế định để nhân dân xây dựng Đảng và Nhà nước”, ông Cương nhấn mạnh.