Đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống

Đưa Nghị quyết lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống: Xây dựng thế trận lòng dân là nhiệm vụ chiến lược vừa cấp thiết vừa thường xuyên

(PLVN) - Xây dựng thế trận lòng dân có vị trí, vai trò quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình mới, xây dựng thế trận lòng dân càng có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nhiệm vụ chiến lược, là nhiệm vụ vừa cấp thiết vừa thường xuyên, lâu dài.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để xây dựng thế trận lòng dân đòi hỏi sự cố gắng, phát huy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân.

Nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc

Theo PGS, TS Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để thực nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong tình hình mới, một trong những vấn đề hết sức quan trọng mà Đảng ta đã chỉ ra là phải xây dựng thế trận lòng dân (TTLD), tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) và nền an ninh nhân dân (ANND). Văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh: “Xây dựng TTLD, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Xây dựng TTLD có vị trí, vai trò rất quan trọng, làm nền tảng xây dựng nền QPTD, ANND, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước; phòng, chống có hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn chống phá của kẻ thù. Kế thừa những bài học kinh nghiệm trong lịch sử, những năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã luôn chăm lo xây dựng TTLD. Xây dựng TTLD đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần quan trọng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trước bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước cũng như xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ TTLD trong nền QPTD và nền ANND”. Theo PGS, TS Đinh Ngọc Giang, trong tình hình mới, để xây dựng được TTLD đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp.

Trước tiên đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, phát huy vai trò hệ thống chính trị trong xây dựng TTLD. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, có tính chất quyết định đến nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng TTLD hiện nay. Trước hết cần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Đại hội XIII đã nhấn mạnh: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước”; qua đó củng cố niềm tin trong Đảng và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

PGS, TS Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PGS, TS Đinh Ngọc Giang - Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đảng cần đổi mới phương thức lãnh đạo, tập hợp, vận động quần chúng sáng tạo, hiệu quả, huy động tối đa sức mạnh của nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động chung”; đồng thời thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân” qua đó có thể quy tụ, phát huy cao sức mạnh của TTLD vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đối với Nhà nước, cần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; có năng lực quản lý, điều hành, tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh của toàn dân, hệ thống chính trị vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc xây dựng, củng cố đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng TTLD.

Phát triển nền kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội

Bên cạnh đó, để xây dựng TTLD, cần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế gắn với bảo đảm tốt an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Đây là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước phát triển kinh tế gắn chặt với thực hiện an sinh xã hội, thiết thực cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, cần quan tâm nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Giải pháp nữa là, mở rộng dân chủ gắn với đẩy mạnh xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là giải pháp rất quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng TTLD hiện nay. Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả trên thực tế phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và toàn dân. Cùng với đó, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống chiến lược “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các hành động phá hoại TTLD. Đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng của xây dựng TTLD trước sự chống phá của các thế lực thù địch và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, thời gian tới cần phát huy cao độ quan điểm sức mạnh tổng hợp làm cho mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức và mỗi người dân đề cao cảnh giác và tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn chia rẽ đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo. Bên cạnh đó, tích cực phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trước hết là trong nội bộ Đảng, đảm bảo sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ của tổ chức đảng, sự gương mẫu về tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên là thành trì vững chắc để ngăn ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”.

Đọc thêm