Thứ trưởng có thể đánh giá những thuận lợi trong việc thực hiện Dự án sau khi có Nghị quyết số 189/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án ĐHN Ninh Thuận?
- Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 189/2025/QH15 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án ĐHN Ninh Thuận. Trên cơ sở đó, các Dự án ĐHN Ninh Thuận được áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo thuận lợi và đẩy nhanh tiến độ trong quá trình triển khai thực hiện Dự án như lựa chọn chủ đầu tư và nhà thầu thực hiện; được thực hiện song song, đồng thời một số công việc chuẩn bị Dự án; cơ chế về phương án tài chính và thu xếp vốn thực hiện Dự án; cơ chế về áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật; các định mức, đơn giá; cơ chế tạo thuận lợi trong thu xếp vốn của chủ đầu tư; cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện Dự án đền bù, tái định cư nhà máy ĐHN và một số cơ chế khác để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai liên quan đến chuyển đổi đất rừng, bảo đảm vật liệu xây dựng, xử lý chồng lấn quy hoạch…
Với các cơ chế đặc biệt cho Dự án ĐHN Ninh Thuận nêu trên, tôi cho rằng cơ bản các vướng mắc trước mắt trong quá trình chuẩn bị đầu tư và triển khai Dự án sẽ được giải quyết nhanh chóng, tạo thuận lợi và đẩy nhanh quá trình thực hiện Dự án, đáp ứng tiến độ đề ra.
Bộ Công Thương đã và sẽ triển khai những hoạt động gì để sớm đưa các cơ chế này vào thực tiễn, thưa ông?
- Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 189/2025/QH15, Bộ Công Thương đã tiến hành một số công việc. Cụ thể như phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức phổ biến Nghị quyết; xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai theo Nghị quyết. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư các Dự án Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 như thẩm quyền đã được Quốc hội quy định tại Nghị quyết số 189/2025/QH15; làm việc với các đối tác nước ngoài để báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đàm phán, ký kết các Hiệp định hợp tác xây dựng nhà máy ĐHN.
Bộ cũng đã phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận để khẩn trương triển khai thực hiện việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân khu vực Dự án, đáp ứng tiến độ bàn giao mặt bằng Dự án cho chủ đầu tư trong năm 2025.
Bộ Công Thương có đề xuất gì với các Bộ, ngành, địa phương để sớm hiện thực hóa Nghị quyết 189/2025/QH15 của Quốc hội; ngoài ra, để bảo đảm tiến độ Dự án, các Bộ, ngành và địa phương sẽ cần phải phối hợp với nhau ra sao, thưa Thứ trưởng?
- Dự án ĐHN Ninh Thuận là dự án đặc biệt quan trọng quốc gia, cần được khẩn trương triển khai thực hiện và sớm đưa vào vận hành để bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới. Dự án đã được Quốc hội thống nhất tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Quốc hội, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, cơ quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những công việc cần sớm triển khai để thực hiện chủ trương đầu tư, giao chủ đầu tư, sớm đưa Dự án vào vận hành. Tại Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy ĐHN, Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã giao nhiệm vụ cụ thể, thời gian rõ ràng cho từng Bộ, ngành để thực hiện, phấn đấu đưa Dự án ĐHN Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030 - 2031.
Để bảo đảm tiến độ Dự án như đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Kết luận Phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành địa phương cần tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao tại Thông báo số 35/TB-VPCP. Về phía Bộ Công Thương, Bộ đã tích cực nghiên cứu, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 189/2025/QH15 để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án ĐHN Ninh Thuận. Đồng thời, với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, Bộ Công Thương đã đôn đốc, phối hợp với các Bộ, cơ quan và chủ đầu tư để triển khai nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long. |
Dự án được áp dụng cơ chế đặc biệt trong lựa chọn nhà thầu là áp dụng hình thức chỉ định thầu theo quy trình rút gọn đối với gói thầu chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu phụ trong điều ước quốc tế. Bộ Công Thương dự kiến triển khai cơ chế này như thế nào để bảo đảm tính minh bạch, lựa chọn được công nghệ hiện đại, an toàn?
- Dự án ĐHN có yêu cầu đặc thù về công nghệ, quá trình lập Dự án đầu tư, thực hiện đầu tư Dự án đi kèm với yêu cầu cung cấp thông tin về thiết kế, phương thức vận hành, phương án bảo đảm an toàn hạt nhân và chuyển giao công nghệ từ nhà sản xuất thuộc quốc gia sở hữu công nghệ. Việc tiếp cận của các nhà thầu, đơn vị tư vấn đối với các thông tin này thường hạn chế. Do vậy, đơn vị được lựa chọn thực hiện hợp đồng chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy ĐHN thường được xác định trong quá trình đàm phán với các quốc gia sở hữu công nghệ, nhằm bảo đảm sự đồng bộ về công nghệ, thiết kế, bảo đảm chất lượng công trình từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn thực hiện đầu tư, kết thúc đầu tư và vận hành Dự án.
Theo Nghị quyết số 189/2025/QH15, gói thầu chìa khóa trao tay của Dự án ĐHN Ninh Thuận sẽ được áp dụng cơ chế chỉ định thầu theo quy trình rút gọn cho nhà thầu được đề xuất trong điều ước quốc tế. Việc lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu chìa khóa trao tay của Dự án sẽ được Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan và chủ đầu tư Dự án xác định trong quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế với quốc gia đối tác sở hữu công nghệ ĐHN. Công tác đàm phán, ký kết và phê duyệt điều ước quốc tế sẽ được Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện theo quy trình, thủ tục của pháp luật hiện hành về điều ước quốc tế.
Quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án; phê duyệt Dự án đầu tư sẽ tuân thủ quy định của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định pháp luật có liên quan. Trong đó, vấn đề định hướng và lựa chọn công nghệ ĐHN cho Dự án bảo đảm hiện đại, kiểm chứng vận hành an toàn sẽ được so sánh, phân tích đầy đủ trong hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi và được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định nhà nước, các Bộ, ngành liên quan trước khi trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng.
Quá trình lựa chọn công nghệ, đối tác và nhà thầu cũng sẽ được chủ đầu tư thực hiện theo quy định bảo đảm tính minh bạch, có sự tham gia kiểm tra, giám sát, thẩm định của các cấp thẩm quyền sẽ bảo đảm lựa chọn được công nghệ hiện đại, an toàn và phù hợp cho Dự án ĐHN Ninh Thuận.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu:
Hình thành 4 trung tâm lớn liên quan đến năng lượng
|
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu. |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận xác định đây là dự án quan trọng quốc gia nên đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết liên quan đến vấn đề này.
Tác động của Dự án ảnh hưởng rất lớn đối với tỉnh. Trong đó có nhiệm vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội nhiệm kỳ 2025 - 2030 đạt 18%. Đây là con số rất cao so với trung bình cả nước. Tác động của 2 Dự án ĐHN cũng như nhiều dự án năng lượng trọng điểm khác sẽ tạo động lực lớn về kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải có sự nhất quán trong triển khai thực hiện.
Chính vì vậy, xây dựng cơ chế, chính sách về đền bù cho người dân đối với vùng Dự án này phải thuận lợi, điều này được thể hiện rất rõ qua các nghị quyết, chính sách đặc biệt của Chính phủ, Bộ Công Thương. Trong chính sách đặc biệt này có một số nhóm chính sách rất cụ thể đối với vấn đề đền bù, tái định cư. Trách nhiệm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh sẽ cụ thể hóa các chính sách này với mục tiêu, để người dân đến nơi ở mới đạt điều kiện tốt nhất để ổn định kinh tế, xã hội…
Giai đoạn từ nay đến 2030, các dự án năng lượng sạch sẽ là tiền đề rất quan trọng để phát triển các lĩnh vực ngành nghề khác ở Ninh Thuận. Thứ nhất, xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch quốc gia. Thứ hai, xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo liên vùng - vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII. Thứ ba, xây dựng phát triển Ninh Thuận phát triển thành trung tâm sản xuất chíp bán dẫn quốc gia (Ninh Thuận có tính ổn định về năng lượng, các điều kiện về kết nối hạ tầng, khí hậu… phù hợp công nghiệp sản xuất chip bán dẫn). Thứ tư, Ninh Thuận trở thành trung tâm dữ liệu quốc gia và quốc tế (tiền đề để phát triển các ngành AI vì có năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định).
Sau khi hoàn thành xong 2 Dự án ĐHN, tương lai của Ninh Thuận sẽ hình thành 4 trung tâm trên. Ngoài thu hút lượng lớn đầu tư trong và ngoài nước, các dự án này sẽ thu hút các chuyên gia, các thành phần kinh tế khác vào Ninh Thuận như giáo dục, y tế, dịch vụ. Những định hướng này sẽ giúp Ninh Thuận phát triển nhanh trong thời gian tới, trở thành tỉnh giàu theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm khi làm việc với Ninh Thuận.
(Còn nữa)