Đó là than thở của doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức hôm qua (8/3), tại Hà Nội.
DN cạnh tranh không lành mạnh, người lao động thiệt thòi
Thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định. Trong 3 năm (2014-2016), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đạt xấp xỉ 350 ngàn người. Riêng trong năm 2016 có trên 126 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện, cả nước có 277 DN có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có 15 DN nhà nước, 207 công ty cổ phần và 55 công ty TNHH).
Phần lớn các DN sau khi được cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đều đẩy mạnh công tác mở rộng thị trường lao động. Đồng thời coi trọng công tác tuyển chọn, quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Nguồn lao động được đưa đi còn yếu về ngoại ngữ, tay nghề chưa phù hợp yêu cầu của thị trường, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, giành hợp đồng cung ứng lao động giữa các DN cả trong và ngoài nước dẫn đến giảm quyền lợi, tăng chi phí đóng góp của người lao động chậm được khắc phục; vẫn tồn tại tình trạng DN được cấp phép hoạt động nhưng không trực tiếp khai thác, tìm kiếm hợp đồng cung ứng lao động, tư vấn. Đáng chú ý, tình trạng các DN dịch vụ thu phí của người lao động cao hơn mức quy định của pháp luật chưa được giải quyết triệt để…
“Không có tiền thì các anh ấy không cho phép đâu!”
Với mong muốn được Trung ương lắng nghe và gỡ khó, tại hội nghị, nhiều vướng mắc, bất cập trong vấn đề phí, giấy phép con, thậm chí cả sự “cản trở” của chính quyền địa phương đã được các DN nói thẳng, nói thật.
“Mong muốn của chúng tôi là được Chính phủ và Bộ LĐTB&XH có biện pháp tháo gỡ để làm sao khi chúng tôi được Cục Quản lý lao động ngoài nước cho phép triển khai các đơn hàng thì có thể xuống địa phương tiếp cận với người lao động chứ không phải xin công văn xuống cấp huyện, cấp xã nữa, như vậy sẽ tốn rất nhiều thời gian. Vì hiện nay rất nhiều huyện không cho chúng tôi triển khai, bắt chúng tôi phải có công văn…”.
Trong khi ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia Thanh Hoá chưa phân trần hết những ấm ức thì Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung “cắt ngang”: “Tại sao lại phải có công văn, công văn của ai và ai quy định cái này?”. Được lời của Bộ trưởng, ông Minh liền giải thích “Đó là luật bất thành văn”. “Vậy luật bất thành văn ở đây cụ thể là cái gì?”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung truy đến cùng.
Đến lúc này, ông Minh nói liền một mạch: dù Bộ (LĐTB&XH) và tỉnh đã cho phép, nhưng nhiều huyện ở các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên và một số tỉnh ở phía Bắc nhất định không cho chúng tôi xuống gặp dân. Có đồng chí Phó Chủ tịch còn nói với tôi rằng nhiều năm nay không đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) thì cũng không chết ai và yêu cầu muốn vào huyện phải chờ Thường vụ họp cho ý kiến, mà chờ thì không biết mấy tháng Thường vụ mới họp một lần? Đây rõ ràng là tình trạng trên trải thảm nhưng dưới rải đinh. Trước khó khăn này, chúng tôi có báo cáo với Sở LĐTB&XH nhưng Sở trả lời là thẩm quyền thuộc UBND tỉnh.
Cùng chung hoàn cảnh, ông Đàm Phương Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Toàn Cầu cho biết, sau khi có được “giấy phép con” không hẳn DN đã gặp thuận lợi, bởi nội dung trong giấy phép này thường bị giới hạn về thời gian, khu vực và số lượng lao động cần tuyển. “Mà nói thật, không có tiền thì các anh ấy không cho phép đâu”- ông Bắc giãi bày. Còn ông Vũ Công Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực LOD nêu thực tế khác: nguồn tuyển càng khó khăn hơn khi các DN cạnh tranh không lành mạnh, trong khi đó, địa phương chỉ cộng tác khi có DN nào ký hoa hồng cao hơn.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cam kết sẽ chỉ đạo giải quyết và trả lời tất cả những khó khăn, vướng mắc mà DN phản ánh tại hội nghị hôm nay. Bên cạnh đó, Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ xử lý nghiêm đối với các DN và cá nhân người lao động vi phạm quy định của pháp luật nhằm đạt mục tiêu từ năm 2017 đến năm 2020, hàng năm đưa được từ 100 đến 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 70-80% là lao động đã qua đào tạo.
“Ngoài lao động phổ thông, đơn giản, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng Đề án đưa những lao động trình độ cao sang thị trường nước ngoài để lao động kỹ thuật, với các mục đích: tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thị trường mới; tạo công ăn việc làm và tạo điều kiện cho người lao động sau này quay trở về có điều kiện phục vụ đất nước”- ông Đào Ngọc Dung nói.
Thể hiện quan điểm không chấp nhận các hạn chế, tiêu cực, tình trạng vòi vĩnh, Phó Thủ tướng cho rằng cần đấu tranh quyết liệt, đặc biệt là việc nhiều doanh nghiệp thu các loại phí; đặt ra nhiều quy định riêng, dẫn đến tình trạng “cò mồi”. Trước hết Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cần có ý kiến, cương quyết đấu tranh với những hạn chế, tiêu cực này.