‘Đua nhau’ đi học IELTS

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Nhiều phụ huynh sẵn sàng chi một số tiền lớn cho con đi học IELTS ngay từ khi còn học tiểu học, THCS... mà chưa biết hiệu quả đến đâu.

Hình ảnh minh hoạ
Hình ảnh minh hoạ

“Cơn sốt’ bằng IELTS

Trong vài năm trở lại đây, IELTS đang dần trở thành “tấm vé thông hành” giá trị trong xét tuyển đại học, mang lại nhiều đặc quyền so với các phương thức tuyển sinh truyền thống và được rất nhiều thí sinh lựa chọn. Để xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cần đạt ngưỡng điểm IELTS từ 5.0 - 6.0 trở lên.

Năm 2023, Việt Nam có 40 trường đại học công bố xét tuyển thẳng nếu có IELTS từ 4.0 - 6.5, chưa tính các trường xét tuyển IELTS kết hợp với điều kiện khác.

Mới đây nhất, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận được 11.000 chỉ tiêu tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS trong khi chỉ tiêu khoảng 2.800. Con số này tăng vọt trong 6 năm qua. Năm 2017 là năm đầu tiên nhà trường dùng IELTS (yêu cầu 6.5 trở lên hoặc tương đương) để xét tuyển, chỉ có khoảng 50 hồ sơ xét tuyển. Số lượng này tăng lên gần 10 lần vào năm 2018 rồi tiếp tục đạt tăng 40 lần (đạt khoảng 2.000 hồ sơ) vào năm 2019.

Không chỉ ‘hot’ ở các trường đại học, "cơn sốt" IELTS cũng trở thành tâm điểm đáng chú ý trong tuyển sinh đầu cấp. Hiện nay, một số trường THPT tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung đã công bố xét tuyển thẳng vào lớp 10 đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên. Điển hình là các trường ở Hà Nội: THPT Lê Quý Đôn, THPT Lương Thế Vinh, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Tất Thành...

Với tuyển sinh lớp 6, Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) tuyển thẳng học sinh vào lớp 6 nếu đạt từ 218/230 điểm TOEFL Primary Challenge ở hai kỹ năng Nghe và Đọc, hoặc 12/15 điểm Cambridge ở trình độ Flyers. Hay tại Nghệ An, Trường THCS Đặng Thai Mai sẽ xem xét tuyển thẳng các học sinh tiểu học có IELTS 4.0 hoặc TOEFL, TOEIC tương đương.

Năm nay không phải là năm đầu tiên các trường áp dụng tuyển thẳng bằng phương thức này. Điều này tạo ra một 'cơn sốt', khiến nhiều thí sinh và phụ huynh "lao tâm khổ tứ".

“Đua nhau” cho con đi học IELTS từ sớm

Khi IELTS trở thành "tấm vé thông hành" giá trị giúp sĩ tử vượt qua kỳ thi tuyển sinh một cách dễ dàng thì đã có không ít phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho con luyện thi chứng chỉ này từ khi con đang học đầu THCS, thậm chí là tiểu học.

Chị Phạm Ngọc Bích (Mỹ Đình 2, Hà Nội) có một con gái lớn vừa thi vào 10 và 1 con trai nhỏ đang học lớp 6. Trải qua kỳ thi tuyển sinh vào 10 căng thẳng cùng con gái nên chị hiểu rõ sự vất vả ôn thi của con để tranh "tấm vé" vào trường công lập. Sau khi tìm hiểu nhiều thông tin thấy nhiều trường THPT tại Hà Nội tuyển thẳng thí sinh có IELTS từ 5.5 trở lên, chị bắt đầu lên kế hoạch cho cậu con trai thứ 2 đi học.

Con vừa được nghỉ hè, để con nghỉ ngơi ít hôm chị liền chị vội vã tìm trung tâm luyện IELTS cho con đi học ngay. “Tôi thấy nhiều trường tuyển thẳng học sinh có bằng IELTS nên tôi cho rằng đây cũng là một cách giảm bớt áp lực cho con trong kỳ thì vào lớp 10 trong tương lai. Cho con đi học vừa để con có thêm kiến thức kỹ năng vừa để con thử sức mình. Học tốt tiếng Anh cũng là một lợi thế để làm tiền đề cho con sau này”, chị Bích chia sẻ.

Cũng theo chị Bích, số tiền chị bỏ ra là hơn 30 triệu đồng cho 4 khóa học của con trong thời gian 1 năm.

Tư vấn viên đăng danh sách những học sinh lớp 5 có IELTS từ 5.5 trở lên được tuyển thẳng vào Trường THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An) để quảng cáo cho khoá học tiếng Anh của mình. (Ảnh chụp màn hình)

Tư vấn viên đăng danh sách những học sinh lớp 5 có IELTS từ 5.5 trở lên được tuyển thẳng vào Trường THCS Đặng Thai Mai (Nghệ An) để quảng cáo cho khoá học tiếng Anh của mình. (Ảnh chụp màn hình)

Trước nhu cầu học IELTS ngày càng trẻ hoá, nhiều trung tâm Tiếng Anh cũng từ đó mà trở nên "đắt khách", dùng những lời "có cánh" để quảng cáo, tư vấn để thu hút học viên.

Liên hệ với một trung tâm Tiếng Anh có nhiều cơ sở tại Hà Nội, phóng viên hỏi về lộ trình học IELTS cho một học sinh lớp 6. Không quan tâm mục đích học IELTS của khách hàng là gì, tư vấn viên của Trung tâm này đưa ra một loạt thông tin với những hứa hẹn như: Giáo trình biên soạn theo chuẩn Celta, phù hợp với học viên Việt Nam, được cập nhật và cải tiến hàng năm; Miễn phí khoá học lại nếu không qua bài kiểm tra cuối khóa; Cam kết đảm bảo đầu ra với kết quả thi thật...

Có thể thấy "Cam kết đầu ra" là lời hứa hẹn mà bất kỳ Trung tâm tiếng Anh nào cũng đưa ra để tạo lòng tin với khách hàng. Và nếu như học viên không đạt được mục tiêu như mong muốn thì các trung tâm sẽ khắc phục hậu quả bằng cách "miễn phí khoá học lại". Mặc dù không mất tiền song nhiều người lại mất quá nhiều thời gian cho vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại này.

Không cần thiết phải học IELTS từ sớm

Bức xúc trước việc một số trung tâm tiếng Anh quảng cáo bất chấp để thu hút học viên bất kể lứa tuổi nào, chị Nguyễn Thị Yến (Thạch Thất, cũng từng làm việc tại một Trung tâm tiếng Anh Hà Nội) kể lại: "Hôm trước tôi có đi qua đường đại lộ Thăng Long thấy một tấm bảng quảng cáo của một trung tâm với nội dung 'Hãy cho con học IELTS từ cấp 1, cấp 2', tôi rất bức xúc. Cấp 1 thì các con mới chỉ bắt đầu làm quen với môn Tiếng Anh, giờ lại cho đi học IELTS là không phù hợp. Nhiều anh chị học sinh, sinh viên còn đang chật vật ôn ngày đêm mới đạt được".

Chị Yến cho rằng, các gia đình nếu có điều kiện có thể cho con đi học để có chứng chỉ sớm là điều đáng mừng, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy. Tấm bằng IELTS chỉ có thời hạn trong 2 năm, sau 2 năm phải thi lại mới sử dụng được. Vậy nên việc cho con đi học quá sớm vừa mất thời gian lại tốn kém. "Tôi nghĩ các bậc phụ huynh hãy từ từ, đến một thời điểm thực sự cần thiết hãy cho con đi học", chị Yến nói thêm.

Cô Vũ Thùy Dung – Giáo viên dạy tiếng anh lâu năm tại một Trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội đưa ra lời khuyên: "Đối với các em học sinh có mục đích du học sớm hoặc xét tuyển vào lớp 10 thì nên học IELTS từ lớp 8-9. Còn đối với tiểu học, các em mới bắt đầu làm quen với chương trình tiếng Anh phổ thông nên chỉ cần chú trọng các từ vựng, ngữ pháp cơ bản. Việc học IELTS ở độ tuổi này là chưa cần thiết, vì học xong cũng chưa thể áp dụng luôn.”

Trên diễn đàn mạng xã hội, chia sẻ quan điểm về việc có nên cho trẻ học IELTS từ tiểu học hay không, nhiều phụ huynh cho rằng chưa thực sự cần thiết.

Phụ huynh Hoàng Thanh Tùng phân tích: Trong IELTS, bài luận ở dạng nghị luận xã hội không phù hợp với tư duy và suy nghĩ hiểu biết của trẻ dưới 13 tuổi, thậm chí là dưới 15 tuổi. Việc phụ huynh và trung tâm chạy đua thành tích dạy mẫu câu để các con học rồi áp dụng kiểu luyện thi làm hỏng cả suy nghĩ phản biện logic của các con từ nhỏ vì lối viết dập khuôn. Lẽ ra bài viết cần được dùng để rèn và kiểm tra năng lực tư duy, logic, suy nghĩ đa chiều, toàn diện của người học để chuẩn bị cho giai đoạn tiền đại học và đại học”

Đồng tình với quan điểm trên, phụ huynh Mai Anh cho rằng tùy vào mục đích mà các bậc phụ huynh không nên tạo áp lực, cho con học IELTS từ sớm.

“Theo tôi, luyện IELTS tùy thuộc vào mục đích của mỗi bạn, nếu xác định đi du học từ cấp 3 thì bạn ấy có 9 năm để hoàn thiện, còn nếu xác định hết lớp 12 thì đừng nên áp lực việc luyện IELTS cho con quá sớm. Quan trọng là mục đích sử dụng IELTS để làm gì, vì có một số trường cũng không dùng IELTS để xét tuyển. Nên quan điểm của tôi mỗi học sinh có 1 mục tiêu khác nhau, đừng vì cha mẹ hãnh diện trình độ Tiếng Anh của con quá cao sớm để áp lực cho con quá”, phụ huynh này nói.

Đọc thêm