Đưa ra hạn mức đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động của Quỹ viễn thông công ích

(PLVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định liên quan đến Quỹ viễn thông công ích, đưa ra những quy định chặt chẽ nếu duy trì hoạt động của Quỹ này, đưa ra hạn mức đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động của Quỹ, tránh gây sức ép lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham gia thảo luận dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại tổ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham gia thảo luận dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại tổ.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Trong khuôn khổ phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Viễn thông (sửa đổi) với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc sửa đổi Luật Viễn thông cũng nhằm thể chế hóa kịp thời những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện các cam kết quốc tế; góp phần phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực viễn thông, thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện Luật Viễn thông thời gian qua.

Tham gia thảo luận tại tổ, cho ý kiến về Quỹ viễn thông công ích, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cần giảm nhẹ các loại phí cho doanh nghiệp, người dân, tránh chồng chéo giữa các loại thuế phí, trùng lắp giữa mục đích chi của Quỹ với mục đích chi của ngân sách Nhà nước. Nếu đã chi bằng ngân sách thì phải thông qua dự toán, phải có điều kiện kiểm soát. Nhiệm vụ phát triển viễn thông cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là cần thiết, nhưng cần đưa vào chương trình đầu tư, quy hoạch cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả thực hiện để tránh hình thành cơ chế xin - cho.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với quy định liên quan đến Quỹ, đưa ra những quy định chặt chẽ nếu duy trì hoạt động của Quỹ, đưa ra hạn mức đủ đáp ứng nhu cầu hoạt động của Quỹ, tránh gây sức ép lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Cũng quan tâm đến nội dung này, có ý kiến cho rằng, Điều 33 của dự thảo Luật quy định Quỹ viễn thông công ích có trách nhiệm thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Như vậy, đây là nhiệm vụ của Nhà nước, theo quy định thì ngân sách Nhà nước phải đảm bảo. Về nguồn đóng góp, dự thảo Luật quy định có 3 nguồn gồm đóng góp theo tỷ lệ trên doanh thu dịch vụ viễn thông; viện trợ, tài trợ đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân; các nguồn khác.

Một số đại biểu cho biết, qua khảo sát thực tế, nguồn thu của Quỹ chủ yếu là theo tỷ lệ trên doanh thu dịch vụ viễn thông, khoản thu này mang tính chất thuế, không đảm bảo hoạt động của Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Có đại biểu cho rằng không nên quy định thành lập Quỹ này mà nên chuyển vào ngân sách Nhà nước để đảm bảo việc thực hiện được công khai, minh bạch.

Góp ý một số quy định khác của dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, quản lý dịch vụ OTT viễn thông là chính sách quan trọng, có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp, đến công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số đang được đẩy mạnh. Pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý về dịch vụ này sẽ dẫn đến quyền lợi của người sử dụng chưa được bảo đảm. Do đó, cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp. Các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý các quy định nêu trên để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được thống nhất, đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Đọc thêm