Đưa test COVID-19 diện bình ổn giá hoặc danh mục kê khai giá

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, áp dụng với các cơ sở y tế khi thực hiện xét nghiệm cho người bệnh đến khám chữa bệnh (kể cả người có bảo hiểm y tế và người không có bảo hiểm y tế).
Đề xuất đưa mặt hàng test virus SARS-CoV-2 vào diện bình ổn giá hoặc danh mục kê khai giá.
Đề xuất đưa mặt hàng test virus SARS-CoV-2 vào diện bình ổn giá hoặc danh mục kê khai giá.

Hiện Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về giá với từng loại xét nghiệm (trường hợp làm mẫu gộp, chi phí xét nghiệm sẽ thay đổi tùy vào số lượng mẫu gộp). Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến thực tế giá xét nghiệm virus SARS-CoV-2 có nhiều mức giá khác nhau.

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý giá, điều này có nguyên nhân khách quan là do giá xét nghiệm phụ thuộc nhiều vào giá mua test xét nghiệm. Mà giá test tăng giảm theo diễn biến của thị trường (tùy thuộc diễn biến dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất, xuất xứ sản phẩm, số lượng đơn vị cung cấp…). Thời điểm dịch mới bùng phát trên toàn cầu thì không có test để mua, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã sản xuất được, nên giá test có xu hướng ngày càng giảm.

Bộ Y tế cũng khẳng định, giá test phụ thuộc vào nhiều yếu tố thị trường như: Nguồn gốc quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, thời điểm đặt hàng và số lượng đặt hàng,… khác nhau thì giá test khác nhau. Thông thường, giá test sản xuất tại một số nước châu Á rẻ hơn giá test sản xuất tại các nước châu Âu, Mỹ. Thời điểm dịch diễn biến căng thẳng, nhu cầu nhiều hơn khả năng cung ứng thì giá cao, ngược lại giá sẽ giảm…

Về đề xuất đưa mặt hàng test vào diện bình ổn giá, các ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, giá test có xu hướng ngày càng giảm, do có nhiều nhà sản xuất, cho nên chỉ cần đưa mặt hàng test vào danh mục kê khai giá.

Các cơ quan đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, trong đó đưa giá test vào tính chi phí xét nghiệm. Đồng thời có kỹ thuật thể hiện phù hợp để thích ứng linh hoạt với diễn biến giá test trên thị trường, tránh ảnh hưởng đến việc cấp phép đăng ký lưu hành/giấy phép nhập khẩu.

Đại diện các bộ ngành cho rằng, tình hình dịch bệnh hiện nay đã cơ bản được kiểm soát, cả nước đang chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, các doanh nghiệp đang khôi phục và phát triển sản xuất trở lại, do đó bên cạnh câu chuyện về giá test, Bộ Y tế cũng cần thường xuyên cập nhật, rà soát, hướng dẫn về chuyên môn, điều chỉnh phương thức xét nghiệm cho phù hợp với điều kiện bình thường mới; đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện ở cơ sở. Ví dụ, cho phép doanh nghiệp tự mua test nhanh (trong nước hoặc nhập khẩu), tự test nhanh cho người lao động và chịu trách nhiệm…

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Y tế, Bộ Tài chính nghiên cứu các biện pháp trong quản lý điều hành giá đối với dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cấp phép nhập khẩu, cấp giấy đăng ký lưu hành theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Y tế cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh test, đảm bảo yêu cầu công tác phòng chống dịch trong tình hình mới. Đồng thời, tổ chức mua sắm test, sinh phẩm, vật tư y tế... theo đúng yêu cầu, kịch bản chống dịch đã đề ra, không để thiếu, không để bị động.

Báo cáo của Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 20/10/2021, Bộ Y tế đã cấp phép cho 127 sản phẩm test xét nghiệm SASR-CoV-2 (nhập khẩu Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Singapore,… và sản xuất trong nước) gồm: 43 test xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP); 56 test xét nghiệm kháng nguyên và 26 test xét nghiệm kháng thể.

Bộ Y tế đã nhận được văn bản của 84 doanh nghiệp báo cáo khả năng cung ứng và giá do đơn vị công bố cho 186 loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2 (đã đăng tải trên Cổng TTĐT của Bộ).

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"