Phải nói rằng, ít nhất 25 năm qua, chưa bao giờ thị trường vàng (TTV) lên cơn “co giật” như thời gian qua. Cũng chính vì thế, Chính phủ, Thủ tướng đã rất quan tâm đến các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý TTV. Chính phủ đã có 2 Nghị quyết, Thủ tướng có 1 Chỉ thị, 2 Công điện và ý kiến chỉ đạo tại nhiều văn bản liên quan.
Thế nhưng, giá vàng vẫn liên tục tăng, “xô đổ” các kỷ lục trước đó. Tại Thông báo 160, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm Nghị định 24/2012/NĐ-CP, theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và sớm có giải pháp bình ổn thị trường. Mặt khác, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp.
TTV “co giật”, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính, tiền tệ và tâm lý xã hội. Ngoài nguyên nhân khách quan như những khó khăn giai đoạn “hậu Covid-19”, biến động địa chính trị ngày càng phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới, TTV trong nước khó kiểm soát, còn có nguyên nhân đầu cơ, tâm lý giữ tài sản bằng vàng, hội chứng “đám đông”.
Cần nhắc lại, cách đây 12 năm, Nghị định 24 ra đời để chống “vàng hóa”, ổn định tỉ giá. Tại Thông báo 160, vấn đề “ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế” là một trong các yêu cầu.
Theo các chuyên gia, khác với trước đây, câu chuyện tỉ giá không bị ảnh hưởng bởi vàng nữa, mà chủ yếu do xuất nhập khẩu, sự tham gia vào chuỗi giá trị thế giới của hàng hóa Việt Nam. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét trả lại thị trường vàng miếng SJC giống như vàng nhẫn. Chống độc quyền vàng miếng SJC và điều hành vàng theo nguyên tắc thị trường được các chuyên gia khuyến cáo.
Vì vậy, một nội dung đáng lưu ý trong Thông báo 160, là nhấn mạnh đến việc “đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết”, Thủ tướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.
Trong tình hình TTV như hiện nay, phản ứng chính sách linh hoạt của Nhà nước, với tư cách quản lý bằng “bàn tay mềm”, là đặc biệt quan trọng. Giải quyết căn cơ bao giờ cũng phải bằng công cụ chính sách.
Riêng về “tâm lý bất an” “tâm lý đám đông”, theo các chuyên gia, thì Nhà nước cần có cơ chế đưa thị trường vàng nhẫn trở thành thị trường phổ biến. Thực tế là số đông người lao động trong xã hội, có thu nhập trung bình luôn quan tâm đến vàng nhẫn, bỏ tiền vào đấy. Làm được những công việc như đã nêu trên, nhất định TTV sẽ sớm hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả.