Trong lúc làm nhiệm vụ, Thiếu tá quân đội 45 tuổi quê ở Tam Điệp, Ninh Bình không may bị tai nạn. Khi được đưa vào bệnh viện trung ương quân đội 108, người này đã bị chết não. Gia đình đã đồng ý hiến tạng của người bệnh để cứu người.
Ngay khi nhận được thông tin từ Bệnh viện (BV) Trung ương quân đội 108, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người Bộ Y tế đã tìm nơi ghép.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cúi đầu cảm ơn người ghép tạng trước ca phẫu thuật |
Lúc này ở BV Chợ Rẫy (TP.HCM) có 2 người bệnh cần tim, thận. Đó là nam bệnh nhân 29 tuổi ở Tiền Giang bị cơ tim giãn nở và nữ sinh viên 25 tuổi quê Ninh Thuận với chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối.
Phía BV Chợ Rẫy đã cử 2 bác sĩ ra BV Trung ương quân đội phối hợp đưa tạng vào Nam. Với sự hỗ trợ tích cực từ các đơn vị ngành y tế, CSGT, đơn vị hàng không (sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất), tạng đã nhanh chóng lên máy bay vào Nam.
Do tính chất ghép, quả tim được "ưu tiên" đưa vào trước để ghép cho nam bệnh nhân 29 tuổi. Quả thận được chuyển vào sau đó chừng vài giờ.
Theo PGS TS BS Phạm Thị Ngọc Thảo – Phó GĐ BV Chợ Rẫy, ghép tạng, nhất là ghép tim, thời gian tốt nhất là từ 4 – 6 giờ, nếu quá số giờ trên, khi ghép tỷ lệ rủi ro cao hơn.
Đó là chưa kể quãng đường vận chuyển từ Bắc vào Nam quá xa, nếu không có sự giúp đỡ từ các đơn vị thì sẽ rất khó khăn.
Khi tim được đưa lên xe cứu thương từ sân bay Tân Sơn Nhất về BV Chợ Rẫy, lực lượng CSGT TP.HCM đã đi trước mở đường để tạng về kịp giờ - BS Ngọc Thảo chia sẻ.
BS Thảo chia sẻ, đây được xem là ca ghép tạng xuyên Việt thứ 3 tại bệnh viện Chợ Rẫy nhưng là ca ghép tạng xuyên Việt đầu tiên nhận tạng từ miền Bắc.
Ngoài ca ghép tim, thận cho người bệnh ở TP.HCM, thì giác mạc, phổi, quả thận còn lại của Thiếu tá quân đội cũng được ghép, cứu mạng nhiều bệnh nhân khác.