Văn hóa & Pháp luật

Đưa văn hóa truyền thống thành chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một khía cạnh hết sức quan trọng trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 là bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc phát huy “sức mạnh mềm” để văn hóa có thể trở thành “tấm danh thiếp” về đất nước, con người Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử.
Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử.

Để mọi người dân đều có chung niềm tự hào về di sản văn hóa cha ông

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn.

Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam.

Ngày 10/6/2022, tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL Trần Đình Thành nhấn mạnh, từ sự nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, di sản Huế với thương hiệu “1 điểm đến 5 di sản” đã và đang trở thành một thương hiệu của du lịch Việt Nam, một lựa chọn hàng đầu của du khác trong và ngoài nước.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - ông Hoàng Việt, Huế tự hào đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó là: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử. Trong gần 30 năm qua, có tổng cộng gần 200 công trình và hạng mục công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được bảo tồn tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Huế triển khai Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế, theo đó có hàng ngàn hộ dân sinh sống trên đất di tích đã và sẽ được di dời đến nơi ở mới, góp phần lấy lại diện mạo của Cố đô xưa…

Có thể nói, công cuộc bảo tồn di tích Huế chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững.

Đầu tháng 8 vừa qua, trong chương trình công tác tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm khu vực Đại Nội Huế và có buổi trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế về công tác trùng tu, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản vật thể và phi vật thể trong giai đoạn mới hiện nay.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, Đảng xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực quan trọng để phát triển đất nước. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu rất quan trọng, định hướng để đất nước ta tiếp tục phát triển văn hóa, phát triển con người Việt Nam, nhằm xây dựng một đất nước phồn vinh, hạnh phúc, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao.

Phó Chủ tịch nước đề nghị, tỉnh Thừa Thiên - Huế cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền niềm tự hào về văn hóa Huế, về những di sản vật thể và phi vật thể đang có để cả hệ thống chính trị và người dân cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị của di sản; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa cũng như lớp nghệ sỹ, nghệ nhân, diễn viên kế cận, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác trùng tu di tích, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc số hóa, lưu giữ bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong muốn thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống một cách đơn thuần mà cần biến văn hóa trở thành những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Việt Nam là đất nước có nhiều dân tộc anh em cùng chung sống làm nên một bản sắc Việt Nam độc đáo, không thể trộn lẫn. Chính vì thế, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng.

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

Ngày 2/8/2022, Bộ VH,TT&DL đã có Quyết định số 1818 /QĐ-BVHTTDL về việc ban hành Chương trình hành động trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch nhằm thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ ban hành Chiến lược công tác dân tộc, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, bên cạnh các nhiệm vụ khác, Bộ VH,TT&DL cũng nhấn mạnh việc cần triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Để thực hiện Chương trình hành động đạt hiệu quả, Bộ VH,TT&DL yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cần kết hợp chặt chẽ với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của từng cơ quan, đơn vị, địa phương: Đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền; Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, các loại hình tuyên truyền; Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, thực hiện tốt công tác chuẩn hóa cán bộ theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ công chức, viên chức ngành VH,TT&DL; Ưu tiên đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch là người dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, trao truyền, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở phục vụ công tác quản lý, phát huy di sản tại cộng đồng, địa phương.

Về phát triển đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, tăng cường năng lực đón tiếp khách du lịch cho cộng đồng. Khuyến khích xây dựng các mô hình bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tạo điều kiện, tạo môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, trình diễn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào các dịp như: Ngày hội, liên hoan, giao lưu văn hóa… trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng dân tộc với nhau.

Khuyến khích, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số…

Phải đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa mới có sức mạnh nội sinh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

“Đảng, Nhà nước Việt Nam rất coi trọng vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Điều đó không chỉ bắt nguồn từ truyền thống lịch sử dân tộc, mà còn ở sự khẳng định trên thực tế vai trò, ảnh hưởng to lớn của văn hóa Việt Nam trong quá trình dựng nước và giữ nước qua hàng ngàn năm lịch sử. Bởi vậy, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra nhiệm vụ chấn hưng văn hóa dân tộc.

Ở đây, việc “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” với việc “để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” có mối quan hệ gắn bó với nhau. Điều này thể hiện ở chỗ: chỉ khi nền văn hóa đạt đến “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thì nền văn hóa mới có nền tảng “trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Trên thực tế, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được đề cập trong nhiều văn bản quan trọng, đặc biệt từ Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII. Trong đó, tiên tiến trong văn hóa trước hết là nền văn hóa yêu nước và tiến bộ, nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tất cả vì sự phát triển toàn diện của con người, trong mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa tự nhiên và xã hội; tiên tiến thể hiện ở cả nội dung tư tưởng lẫn hình thức, trong các phương tiện chuyển tải nội dung.

Còn bản sắc văn hóa dân tộc là các giá trị đặc trưng, tiêu biểu phản ánh diện mạo, cốt cách, bản chất riêng của nền văn hóa, là dấu hiệu cơ bản để phân biệt nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác, đó cũng là tổng hòa các khuynh hướng sáng tạo văn hóa, được hình thành trong mối liên hệ thường xuyên với điều kiện kinh tế, môi trường tự nhiên, thể chế chính trị… trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Bản sắc văn hóa được thể hiện rõ trong truyền thống dân tộc, là các giá trị văn hóa tiêu biểu được trao truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, được khai thác và phát huy, tiếp tục bồi đắp, tạo nên dòng chảy văn hóa của dân tộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Trên cơ sở đó, tính tiên tiến và bản sắc dân tộc được hòa quyện, gắn bó hữu cơ trong các yếu tố cấu thành của nền văn hóa, đảm bảo tính kế thừa và phát triển, vừa giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời đảm bảo tính mở, tiếp thu tinh hoa của văn hóa nhân loại, phù hợp với mục tiêu, đặc điểm, truyền thống của đất nước trong quá trình đi lên CNXH” – trích bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng của Báo Pháp luật Việt Nam ngày 3/8/2022.