Cấm không được, thả lỏng không xong!
Cho đến nay, việc cấp phép hay không cấp phép loại hình xe ôm, taxi công nghệ vẫn khá “lởm khởm”, nơi cấm, nơi không, nơi quản lý nửa chừng. Dù Bộ đã cho phép nhưng tại Khánh Hoà, Sở Giao thông Vận tải vẫn không cấp phép cho taxi công nghệ với lý do tình hình taxi trên địa bàn tỉnh đã quá tải, hiện khó quản lý được. Cho dù taxi công nghệ đã được triển khai một thời gian dài trên địa bàn hai TP Hà Nội và TP HCM nhưng Đà Nẵng, cũng là TP trực thuộc Trung ương nhưng lại cấm hoạt động của taxi công nghệ, thậm chí còn… truy bắt(!).
Thực tế, trong thời gian thí điểm loại hình taxi, xe ôm công nghệ trên địa bàn hai TP Hà Nội và TP HCM, loại hình này đã phát triển một cách mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích cho người dân. Trước đó, tình trạng xe ôm, taxi truyền thống giá cước khó kiểm soát, giá cước cao, thái độ phục vụ không tốt khiến nhiều người dân khó chịu, sự ra đời của xe ôm công nghệ mới lạ với mức giá thấp, xe sang trọng, phục vụ tốt đã khắc phục các nhược điểm của taxi, xe ôm truyền thống. Điều này khiến lượng người dân tham gia loại hình vận tải công nghệ mỗi lúc một nhiều.
Tuy nhiên, chính vì sự phát triển quá mạnh mẽ, nhanh chóng của loại hình vận tải này đã gây ra những hệ luỵ không nhỏ. Theo số liệu của Bộ GTVT, tính đến tháng 4/2017, số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ tham gia đề án thí điểm này vào khoảng hơn 13.500 xe với 235 đơn vị tham gia tại 3 địa phương là Hà Nội, TP HCM và Khánh Hòa.
Con số này đã vượt xa dự kiến của các nhà quản lý trước khi cấp phép cho thí điểm loại hình này. Và hậu quả là việc gia tăng lượng người, xe tham gia giao thông khiến tình hình ách tắc tại các đô thị ngày càng nặng nề hơn, nhất là khi loại hình xe công nghệ này có thể “lách” quy định lưu thông vào khu vực trung tâm TP vào các giờ cao điểm.
Cạnh đó, ưu thế giá cũng nảy sinh một số tiêu cực gây ra cạnh tranh không lành mạnh khi loại hình công nghệ có thể thoải mái hạ giá hoặc đưa ra các chiến dịch khuyến mãi “siêu rẻ” để thu hút khách hàng. Hiện, không ít trường hợp taxi, xe ôm công nghệ trở thành “xe dù”, bắt khách trực tiếp, thậm chí “chặt chém” khách hàng.
Ngoài ra, việc xe công nghệ bắt tay trực tiếp với các dịch vụ cho thuê xe để khai thác kinh doanh cũng làm đau đầu các nhà quản lý khi quản không xuể. Nhiều hậu quả nặng nề cũng đã xảy ra khi xe công nghệ và xe truyền thống vì cạnh tranh nhau mà dẫn đến va chạm, ẩu đả, thương vong… “Cuộc chiến” giữa xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống giờ đây vẫn diễn ra quyết liệt, chưa có hồi kết, đặc biệt là tại các điểm nóng như bến tàu, xe…
Cái khó ở đây là các nhà quản lý cũng thực sự không biết có nên tiếp nhận loại hình vận tải mới này hay không, quản như thế nào, chính vì sự mập mờ lúc nắn lúc buông, dẫn đến việc dịch vụ xe công nghệ đến nay vẫn là vấn đề khá “nhạy cảm”, nửa công khai, nửa bên lề, và đến khi nhiều hệ luỵ xảy đến cơ quan quản lý lúng túng không biết xử lý ra sao.
Quản sao cho phát triển hiệu quả?
Mới đây, văn bản của UBND TP HCM gửi Bộ Giao thông Vận tải về một số đề xuất liên quan đến hoạt động kinh doanh của Grab, Uber đã cho thấy TP có quyết định thẳng thắn đưa dịch vụ xe công nghệ vào khuôn khổ. Để dễ bề quản lý, TP HCM đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber vào loại hình “taxi mới”, trong đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống. Theo văn bản này, về giá, taxi truyền thống thực hiện kê khai, niêm yết giá cước và thực hiện theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe sau khi được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì. Về taxi mới cần có quy định cụ thể về giá.
Tuy nhiên, sự chung chung của văn bản dường như vẫn chưa thoả mãn những mong mỏi của người dân. Bởi, theo văn bản thì taxi truyền thống vẫn chưa thể được giải quyết rốt ráo những bất cập để tăng tính minh bạch, nâng chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh. Nhiều câu hỏi đặt ra, nếu “gom” taxi công nghệ vào quản lý chung với loại hình truyền thống và áp đặt mức giá cho taxi công nghệ thì sẽ khó lòng quản lý tốt loại hình dịch vụ vận tải công nghệ này, vô hình trung biến taxi, xe ôm công nghệ thành một “kiểu khác của truyền thống”.
Quan trọng của việc quản lý không phải để “rập khuôn” các loại hình kinh doanh vận tải, mà là hiểu được bản chất và sự khác biệt của từng loại hình để quản lý hiệu quả, sao cho hạn chế được mặt tiêu cực, phát huy cái hay, cái mới, có lợi cho người dân và phát triển ổn định trong mô hình giao thông đô thị.