Coi thường dư luận, coi thường người dân

(PLO) - Phát biểu tại cuộc họp do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhận xét: “Giải thích bán chổi đót, nuôi heo mà có biệt phủ chính là thái độ khinh nhờn pháp luật, coi thường nhân dân”.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn  (Ảnh: Quochoi.vn)
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Ảnh: Quochoi.vn)

Tương tự, đại biểu Nguyễn Đức Sáu (TP Hồ Chí Minh) nêu một hiện trạng, cán bộ khi xin đất thì nói là có khó khăn về nhà ở nhưng khi bị phát hiện có những khối tài sản lớn thì lại bảo do mẹ nuôi, em nuôi tặng. “Dư luận họ đâu có mù mà tin vào những giải thích như vậy” – ông kết luận,

Cả hai đại biểu này đều cho rằng những người như vậy không xứng là cán bộ, đảng viên nữa. Tuy nhiên, do họ không xứng đáng với chức vụ của mình nhưng họ vẫn tồn tại và thăng tiến, tài sản của họ vẫn vững như bàn thạch nên thái độ “coi thường dân” và “nghĩ dư luận là mù” liên tục phát triển, kế thừa các lập luận, giải thích về tài sản như “làm thối móng tay”, “chạy xe ôm” hay do “cha mẹ để lại và thực hành tiết kiệm”. Chính bản thân của sự việc này đã là minh chứng tại sao ra sức kêu gọi chống tham nhũng mà tham nhũng “vẫn ổn định”.

Không cứ khi giải thích về nguồn gốc tài sản của mình, cán bộ mới có thái độ “coi thường nhân dân” mà ở các lĩnh vực khác vĩ mô hơn rất nhiều như lĩnh vực ban hành chính sách, cán bộ giữ chức vụ cao giải thích: “Tăng thuế giá trị gia tăng không ảnh hưởng đến người nghèo” chẳng hạn. Hay, tăng giá điện mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, tăng viện phí có lợi cho bệnh nhân nghèo, thực phẩm xuất khẩu tồn dư hóa chất bị trả về thì “luộc lên là ăn được”... Ở những trường hợp này thì “dư luận họ mù” hết sao?

Không chỉ lời nói, sự coi thường dư luận, coi thường nhân dân còn thể hiện ở cả hành động. Tăng thuế VAT là một việc tác động đến đời sống của toàn bộ nhân dân, thế mà việc lấy ý kiến thì được “các bộ ngành” nhất trí và đồng thuận. Tại sao không hỏi cái đối tượng bị thu thuế, ý kiến của họ mới là xác đáng và sự đồng thuận của họ mới là sự ủng hộ có sức nặng khả thi.

Một đại biểu Quốc hội khác tỏ ra nghi ngờ về con số trung thực khi cán bộ kê khai tài sản. 99% kê khai thế còn 1% ở đâu, chỉ có 3 trường hợp kê khai thiếu trung thực thôi, ông khẳng định là dân không tin vào điều này. Thêm nữa, trước đây khi đề cập đến việc kê khai tài sản, một người giữ chức vụ trong lực lượng chống tham nhũng nói rằng:“Kê khai chưa đầy đủ chứ không phải thiếu trung thực” – phát biểu này chứng tỏ sự coi thường dân ở mức độ rất cao.

Từ phát biểu đến hành động của một số cán bộ có chức quyền tỏ thái độ coi thường nhân dân, khiến nhân dân không tin mà vẫn tại vị, thậm chí không phải “rút kinh nghiệm một cách sâu sắc” gì cả đã chứng minh cho tình trạng “người chống tham nhũng, người chống lưng, không phân biệt thật giả” như nhận định của một đại biểu Quốc hội đã và đang diễn ra, làm cho hiệu quả của việc chống tham nhũng giảm sút đáng kể.