Phụ huynh còn thờ ơ với bạo lực học đường
Đám bạn gái hùa nhau đánh đập, xé áo một bạn gái khác chỉ vì “láo, chảnh” ngay trước cổng trường. Một nhóm các em học sinh tiểu học xúm vào đánh đập, làm nhục bạn chung lớp với mình bằng cách đánh đập, cười nhạo, xâm phạm chỗ kín. Và mới đây nhất, một video clip gây phẫn nộ khi một nhóm các em gái đánh đập một em gái khác, bắt phải liếm bàn chân trong tiếng khóc uất ức của nạn nhân…
Ngoài số lượng các vụ bạo hành ngày một tăng thì mức độ nghiêm trọng cũng tăng lên nhiều đến mức đáng báo động. Hồi đầu tháng 10 vừa qua, một học sinh đã bị làm nhục tại trường học trước sự chứng kiến của bạn bè, khiến em hoảng loạn phải nhập viện. Một thời gian ngắn sau, em tự tử. Vụ việc đã gây chấn động bởi mức độ nghiêm trọng đáng báo động của bạo lực học đường (BLHĐ) đối với trẻ em.
Mức độ nghiêm trọng của BLHĐ đã rõ. Thế nhưng dường như nhiều phụ huynh vẫn rất thờ ơ với vấn nạn này. Chị Kim Mai, một thành viên trong ban đại diện hội phụ huynh một trường cấp 2 trên địa bàn quận Tân Bình chia sẻ, thời gian gần đây, cập nhật nhiều thông tin trên mạng, chị khá lo lắng về tình hình BLHĐ nên có hỏi chuyện con trai mình. Con trai chị kể, cháu không bị bạn bè bắt nạt, tuy nhiên, cậu bé cũng từng chứng kiến cảnh các anh lớp 9 xúm vào đánh một bạn lớp 7 vì tội “không cho em tao copy bài”.
Những chuyện học sinh đánh nhau, tẩy chay nhau trong trường lớp vẫn có. Trong một buổi họp ban đại diện, chị Kim Mai có đặt vấn đề về phòng tránh những khả năng có thể gây ra bạo lực để hậu quả không đi quá xa. Tuy nhiên, vài vị trong ban đại diện lại cho rằng, chuyện ấy là “chuyện thường của tuổi học trò, đừng làm quá lên”. Nhiều vị còn dẫn chứng, “thời của chúng ta, bao giờ chả có những vụ bạn bè đánh nhau, cãi nhau, rồi lại làm lành ngay, coi như kỉ niệm đẹp học sinh ấy mà”… Theo chị Kim Mai, các phụ huynh đã khá chủ quan với chuyện bạo lực học đường, thiếu cập nhật thông tin và không đánh giá đúng mức độ, diễn biến phức tạp của nạn BLHĐ.
Đại diện ban giám hiệu một trường trung học chia sẻ, có trường hợp khi học sinh đánh nhau đến gãy răng, nhà trường mời phụ huynh lên để bàn biện pháp xử lý nhưng phụ huynh không đến. Có phụ huynh đến, thay vì nhìn nhận vấn đề và giáo dục con mình thì quay ngược lại lên án nhà trường là quá khắt khe, nghiêm trọng hoá vấn đề, trẻ con đánh nhau là chuyện thường thôi (!).
Hai khía cạnh của bạo lực
Trên thực tế, rất nhiều phụ huynh chưa có sự nhìn nhận đúng mức về tình trạng BLHĐ hiện nay. Số thì thờ ơ, số thì chỉ “đụng chuyện” mới sực tỉnh, nhưng cũng loay hoay không biết xử lý ra sao.
Mới đây, cộng đồng mạng chuyền nhau một clip về người dì đi “đòi lại công bằng” cho cháu mình. Chuyện là, trên lớp học, đứa cháu thường xuyên bị bạn bè bắt nạt, đánh đập. Chịu đựng lâu sinh sợ hãi, uất ức nên không chịu đi học nữa. Sau khi tìm hiểu, người dì này đã đến từng nhà những đứa bạn đã bắt nạt cháu mình, xông vào hăm dọa, chửi bới và thậm chí đánh những học sinh nói trên. Hành động ấy đã nhận hai luồng dư luận: có người thì ủng hộ, bảo đánh là đáng, đánh cho sợ, có người thì cho rằng hành động này không mang tính giáo dục cao và chưa chắc đã giải quyết được sự việc.
Sự việc trên cho thấy sự lúng túng trong ứng xử với BLHĐ của nhiều phụ huynh. Một trường hợp, con cái đánh nhau tổn thương sức khỏe, phụ huynh lên họp ở trường cũng tranh cãi rồi lao vào ẩu đả, bên nào cũng cho con mình là nạn nhân… Lấy bạo lực để giải quyết bạo lực, các bậc phụ huynh như thế không những không giúp “trị tận ngọn” những mầm mống bạo lực của con trẻ mà còn làm những tấm gương xấu, khiến sự việc đi xa thêm.
BLHĐ với khía cạnh của phụ huynh, nên nhìn nhận ở cả hai mặt: con có nguy cơ là nạn nhân của BLHĐ, và con tham gia vào hành động bạo lực. Không ít phụ huynh chỉ lo ngại ở vấn đề thứ nhất, còn khi con tham gia đánh bạn, hành hạ bạn thì chỉ coi là “chuyện nhỏ”, bênh con chằm chặp, hoặc la mắng vài câu rồi thôi mà không biết, nguy cơ mất con của phụ huynh có con bị bạo hành và tham gia bạo hành là như nhau. Nếu như những đứa trẻ bị bạo hành có nguy cơ trầm cảm, hoảng loạn, bỏ học, tự sát, những đứa trẻ tham gia bạo lực nếu không được chấn chỉnh thì chuyện hư hỏng, mất đi nhân cách, thậm chí phạm tội về sau là rất có thể.
Đáng lo ngại, có khá nhiều phụ huynh thực sự chưa có sự quan tâm, đối thoại và chia sẻ đúng mức với con để có thể nhìn nhận ra những vấn đề nguy hại, những thay đổi tâm lý, những sợ hãi bất an từ đứa trẻ bị bạo hành và những mầm mống bạo lực qua hành xử hàng ngày của đứa trẻ đi bạo hành bạn bè. Để rồi, chỉ khi bị mời đến trường, đến công an, khi thấy con mình xuất hiện trên mạng, trên báo… thì mới vỡ lẽ. Đó là những thất bại lớn trong nuôi nâng, giáo dục con của các bậc cha mẹ.