Đừng để quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có cũng như không

(PLO) - Nhằm khắc phụ những vướng mắc trong công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Tư pháp được giao xây dựng đề án nhằm đánh giá tình hình thực thi và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả về vấn đề này. 
47% yêu cầu bị từ chối công nhận
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của hoạt động công nhận và cho thi hành quyết định của trọng tài (TT) nước ngoài, từ năm 1995 Việt Nam đã gia nhập Công ước New York. Điều này đã tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân Việt Nam có thể yêu cầu 149 nước thành viên khác của Công ước công nhận và cho thi hành quyết định của TT nước ngoài, trong đó có tuyên về quyền lợi của công dân, tổ chức của Việt Nam và ngược lại. 
Các nội dung của Công ước được nội luật hóa vào các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam như Pháp lệnh Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của TT nước ngoài năm 1995, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), Pháp lệnh TT thương mại năm 2003, Luật TT thương mại năm 2010…
Trên cơ sở quy định của Công ước và pháp luật Việt Nam, tình hình giải quyết yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của TT nước ngoài từng bước đi vào nền nếp. Ở giai đoạn trước, theo thống kê từ 63 TAND cấp tỉnh thì 41 TAND không giải quyết yêu cầu nào, 10 TAND chưa gửi kết quả thống kê, 12 tỉnh có giải quyết được 49 yêu cầu. Còn số liệu đầy đủ hơn 6 năm qua (từ 1/7/2008 – thời điểm có hiệu lực của Luật Tương trợ tư pháp đến nay) cho thấy số lượng yêu cầu công nhận cho thi hành quyết định của TT nước ngoài tăng cao hơn với 73 yêu cầu, trong đó tất cả các yêu cầu này là từ những nước thành viên của Công ước. 
Tuy nhiên, thực tiễn công nhận và thi hành quyết định của TT nước ngoài ở Việt Nam hiện có một số bất cập, được thể hiện ở số lượng yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của TT nước ngoài bị từ chối nhiều hơn so với mặt bằng chung của quốc tế; quá trình xử lý chậm, cơ chế phối hợp thiếu chặt chẽ; không có cơ quan đầu mối theo dõi thực thi Công ước… 
Tỷ lệ công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của TT còn thấp, có tới 47% yêu cầu bị từ chối công nhận (riêng 6 tháng đầu năm 2013, các Tòa án Việt Nam liên tiếp ra quyết định không công nhận 6/7 quyết định của TT thuộc Hiệp hội Bông quốc tế). 
“Tá hỏa” vì bị yêu cầu bồi thường hàng triệu đô
Nguyên nhân của những tồn tại được Bộ Tư pháp chỉ ra là do việc chuyển hóa nội dung và tinh thần của Công ước vào quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự chưa thực sự chính xác, nhất là quy định về căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành quyết định của TT nước ngoài. 
Ngoài ra, từ khi gia nhập Công ước, Việt Nam chưa chỉ định cơ quan quốc gia theo dõi thực hiện Công ước và trong 20 năm qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không đánh giá về tình hình thực hiện Công ước để tìm ra những hạn chế, đề xuất giải pháp khắc phục vướng mắc trong công tác thi hành Công ước. 
Đáng chú ý hơn, các doanh nghiệp thường không có đủ khả năng tài chính tham gia tố tụng TT ở nước ngoài hay thuê các luật sư có kinh nghiệm, có trình độ bảo vệ quyền lợi hoặc cho rằng nếu mình vắng mặt, không tham gia tố tụng thì TT không giải quyết được vụ việc. 
Hệ quả tất yếu khi các doanh nghiệp không tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình là các quyết định của TT nước ngoài hoàn toàn bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhiều quyết định của TT nước ngoài tuyên tổng giá trị doanh nghiệp Việt Nam phải bồi thường cho đối tác nước ngoài lên đến hàng triệu USD. Cho đến lúc các doanh nghiệp nước ngoài gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành quyết định của TT, doanh nghiệp Việt Nam mới xúc tiến trao đổi, thỏa thuận, hòa giải với đối tác.
Tại cuộc họp góp ý cho Dự thảo Đề án diễn ra vào chiều 6/10, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ kiến nghị phải nghiên cứu hoàn thiện pháp luật hiện hành về công nhận và cho thi hành quyết định của TT nước ngoài cho phù hợp với Công ước New York cũng như nghiên cứu đề xuất Chính phủ chỉ định cơ quan đầu mối quốc gia theo dõi thi hành Công ước… 
Nhưng thiết nghĩ, quan trọng là cần có giải pháp tăng cường hơn tính chủ động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tham gia tố tụng TT. Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu, từ những số liệu có được phải tập trung đánh giá thực trạng, đưa ra các giải pháp để báo cáo Thủ tướng nhằm nâng cao hiệu quả tham gia Công ước New York của Việt Nam.

Đọc thêm