Đừng để tuổi xế chiều là khúc nhạc buồn

(PLVN) - Theo chuyên gia tâm lý, Ts. Lý Thị Mai (phòng khám đa khoa Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), người cao tuổi là những người đã đi qua một thời vàng son của cuộc đời. Vì thế nét tâm lý dễ thấy nhất là phần đông họ dễ hối tiếc, thường sống hoài niệm. Từ chỗ hối tiếc, dễ dẫn đến mất động lực trong cuộc sống. Hệ quả tiếp theo là dễ bi quan, tiêu cực.
Quang cảnh buổi tư vấn “Các Vấn Đề Tâm Lý Ở Người Cao Tuổi/Về Hưu”. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Quang cảnh buổi tư vấn “Các Vấn Đề Tâm Lý Ở Người Cao Tuổi/Về Hưu”. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Về hưu nhưng vẫn đến cơ quan

Tại “Chương trình tư vấn sức khỏe và tầm soát” của Phòng khám Đa khoa Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, số tháng 05/2019 với chủ đề “Các Vấn Đề Tâm Lý Ở Người Cao Tuổi/Về Hưu”, chuyên gia tâm lý, TS. Lý Thị Mai dẫn ra một ca lâm sàng mà tưởng chỉ có trong phim hài. 

Chuyên gia cho biết, thân chủ là nam giới, 70 tuổi, tiến sĩ -  nguyên là tổng giám đốc một công ty danh tiếng. Lúc mới về hưu, như một thói quen, cứ mỗi buổi sáng, đúng giờ là ông thay quần áo chỉnh tề ngồi ở phòng khách chờ xe đến đón đi làm như lúc còn tại chức.

Khi biết không có xe đến, ông tự gọi xe đến công ty. Lúc đầu mọi người ở công ty còn thăm hỏi, xã giao. Một thời gian sau không còn ai quan tâm, thậm chí cả chào hỏi cũng không. Ông không còn vào công ty nữa mà ngồi ở quán cà phê đối diện với văn phòng công ty cho đến hết ngày mới về.

Gia đình khuyên nhủ, ông không có ý kiến. Kéo dài gần nửa năm ông mới không đến công ty nữa. Nhưng lại chuyển sang một thái cực khác. 

Ông ở nhà nhưng không trò chuyện với người nhà. Khi có khách đến chơi, ông cũng tránh né, không tiếp xúc. Ông thường nói một mình có nội dung như đang nói với cộng sự ở công ty nhưng mức độ ngày càng nóng nảy, gay gắt, thậm chí còn lớn tiếng.

Kèm theo còn có triệu chứng mất ngủ thường xuyên, chán ăn, sụt cân, luôn cảm thấy bực bội, ném đồ đạc, thức ăn khi không vừa ý. . .  

Chuyên gia tâm lý, TS. Lý Thị Mai. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Chuyên gia tâm lý, TS. Lý Thị Mai. Ảnh: Võ Anh Tuấn

TS. Lý Thị Mai nhận định, đây là trường hợp không có sự chuẩn bị cho tâm lý của tuổi về hưu. 

Phân chia theo khu vực dân cư, theo Chuyên gia, người cao tuổi ở thành thị, đa số là người đi làm cho đến khi về hưu. Còn ở nông thôn thì chủ yếu là làm nông nghiệp cho đến khi không còn đủ sức lao động.

Đối với những người không có lương hưu thì dễ rơi vào tình trạng tự ti, đôi lúc cảm thấy cuộc sống hiện tại là cuộc sống thừa.

Tất cả những điều đó sẽ dẫn đến tình trạng ngại giao tiếp. Một khi người cao tuổi tự cô lập mình thì cũng là lúc họ cô đơn trong chính ngồi nhà của mình.

Tâm lý phổ biến ở người cao tuổi gồm những đặc điểm khái quát sau: Mặc cảm tự ti (do không còn tạo ra của cải, không còn được trọng vọng...); Có người dễ bi quan, tiêu cực (vì thấy không còn có ích, bị bệnh tật bủa vây, hay bẳn gắt với thân nhân); Ngại giao tiếp (sợ bị thương hại, không có gì để nói); Khó xây dựng mối quan hệ mới (thấp không chơi, cao không với tới); Cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình (con đi làm, cháu đi học); Nếu ai phải li hôn, góa bụa: dễ cảm thấy trống vắng, cô độc; Khi còn hôn nhân thì vợ chồng cũng dễ rơi vào cảnh “mỗi người mỗi niêu” vì cùng trái tính, trái nết, không chịu hiểu nhau.

Đồng quan điểm với Ts. Lý Thị Mai, các chuyên gia tâm lý quốc tế: bà Maiwenn Tranchard và ông Armand Pinot (Tâm lý gia – Chuyên viên điều trị tâm lý của EPP – Cộng hòa Pháp) cùng cho rằng nỗi đau về việc già đi thể hiện ở sự nhận thức về sự lão hóa; việc mất dần dần những khả năng trí tuệ; các phản ứng của người thân; những tang chế liên tiếp; sự hoang tưởng; sự hung hăng; sự thu mình.

Trong gia đình mà cha mẹ, ông bà không vui thì con cháu cũng không thể vui. Không vui thì sẽ không khỏe. Tình trạng sẽ xấu hơn nữa là nếu không có biện pháp giải tỏa thì những nỗi chán chường ấy sẽ khiến tâm lý chuyển thành bệnh lý. Người không có bệnh cũng thành bệnh, người bệnh nhẹ sẽ trở thành bệnh nặng hơn.

Khi đó thì người cao tuổi thực sự đã sẽ là nạn nhân của chính mình và cũng là gánh nặng cho con cháu.

Bà Maiwenn Tranchard, tâm lý gia – Chuyên viên điều trị tâm lý của EPP – Cộng hòa Pháp. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Bà Maiwenn Tranchard, tâm lý gia – Chuyên viên điều trị tâm lý của EPP – Cộng hòa Pháp. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Để già mà vui

Ts. Lý Thị Mai tiếp tục dẫn một ca lâm sàng khác, ở thái cực ngược lại với thân chủ nguyên là tổng giám đốc ở trên.

Nữ thân chủ 67 tuổi, giáo viên tiểu học về hưu, sống một mình. Có con trai, con dâu và hai cháu nội,ở khác quận. Cuối tuần con cháu tề tựu về với bà. Bà vẫn tự tay nấu nướng cho con cháu, con dâu chỉ phụ giúp. Ăn xong lại ai về nhà nấy.

Hằng ngày, bà có nhận dạy kèm buổi sáng 3 cháu, chiều 2 cháu.Thu nhập cũng có thêm chút ít cộng với lương hưu, bà sống ung dung, không làm phiền con cái. Thỉnh thoảng bà còn có tiền mua quà cho hai cháu nội. Bà hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Bên cạnh đó, bà có một nhóm các bà bạn cũng cao tuổi nên hay đi chùa, tập Yoga cùng nhau. Thỉnh thoảng còn tham gia đi du lịch do Hội người cao tuổi tổ chức. Sức khỏe tốt, minh mẫn... Bà luôn cảm thấy lạc quan, yêu đời và sống thanh thản.

Đây là một mẫu hình được đánh giá là tích cực đối với người cao tuổi. Theo Chuyên gia, để người cao tuổi được vui, khỏe, cần ba yếu tố tác động: i. Chính bản thân họ; ii. người chăm sóc và, iii. cộng đồng xã hội.

Ông Armand Pinot, tâm lý gia – Chuyên viên điều trị tâm lý của EPP – Cộng hòa Pháp. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Ông Armand Pinot, tâm lý gia – Chuyên viên điều trị tâm lý của EPP – Cộng hòa Pháp. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Với chính bản thân, người cao tuổi cần: Hiểu đúng về tuổi tác (tuổi nào có niềm vui của tuổi đó); chấp nhận sự suy giảm sinh lý là hiện tượng tự nhiên; Chấp nhận sự cô đơn nếu bạn đời mất hoặc li hôn, con cháu ở xa; khỏe theo tuổi mình đang có; tự tạo niềm vui: việc làm vừa sức, giúp đỡ người khó khăn hơn...; sống có ích: tham gia Hội, tổchức của người cao tuổi, làm thiện nguyện; có tín ngưỡng: gặp gỡ và kết bạn với với những người có chung niềm tin, tham gia và kết nối để làm việc theo tinh thần an vui.

Với người chăm sóc, cần hiểu biết tâm lý người cao tuổi để khích lệ, luôn thăm hỏi ân cần dù ở xa hay ở gần; Có kỹ năng chăm sóc: nhẹ nhàng, dỗ dành, tận tụy; Chấp nhận những biểu hiện: người cao tuổi hay quên, trái tính, không yên tâm; Cảm thông và nâng đỡ: người già yếu hay mặc cảm, dễ tủi thân nên cần có người thấu hiểu. Họ gần như phụthuộc và chỉ trông cậy vào con cháu, người chăm sóc; Yêu thương vô điều kiện: chăm lo tinh thần, vật chất theo khả năng cao nhất.

Cuối cùng là xã hội, rất cần thiết đẩy mạnh hoạt động của các hội người cao tuổi, viện hưu dưỡng; câu lạc bộ người cao tuổi; câu lạc bộ ông bà cháu; câu lạc bộ dưỡng sinh, khiêu vũ...; nhân viên công tác xã hội; chuyên gia tâm lý…

Đọc thêm