Dùng giấy tờ giả “thông chốt” kiểm dịch
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định phòng chống dịch, trong đó có việc sử dụng giấy tờ giả để “thông chốt” kiểm soát dịch bệnh. Chẳng hạn như trường hợp của bà Phạm Thị Minh T (43 tuổi), từ TP HCM về Ninh Thuận trót lọt bằng giấy xác nhận "F0 được điều trị khỏi" giả, sự việc được phát hiện sau khi bà tự khai báo.
Theo đó, bà T là người dân xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước) đi làm thuê và ở trọ tại thị trấn Đông Thạnh, huyện Cần Giờ, TP HCM. Do dịch bệnh, suốt 3 tháng qua không đi làm được, nên không có tiền ăn và tiền trả nhà trọ. Thấy hoàn cảnh khó khăn, chủ nhà trọ cùng một số người quyên góp thuê xe cho bà về quê.
Chiều 18/8, xe chở bà T về tới xã Phước Hậu, ghé Trạm Y tế làm thủ tục khai báo. Khi bàn giao, tài xế xuất trình giấy chứng nhận "bệnh nhân" Phạm Thị T được xuất viện sau khi điều trị khỏi COVID-19 và giấy xét nghiệm âm tính. Sau đó, tài xế về lại TP HCM, còn bà Tuyết đi cách ly tập trung.
Đến tối cùng ngày, khi được lãnh đạo xã gọi điện hỏi thăm, bà Tuyết mới nói sự thật rằng bản thân không hề bị nhiễm COVID-19. Theo bà, việc thuê xe và tất cả thủ tục giấy tờ liên quan đều do chủ nhà trọ và những người khác hỗ trợ. Bà chỉ việc lên xe để tài xế chở về, chứ không biết gì về hồ sơ chứng nhận F0 ra viện.
Qua điều tra truy vết, Công an huyện Ninh Phước xác định được tài xế chở bà T về quê là Phạm Duy Ph (sinh năm 1989) điều khiển ôtô biển số 51H-91889. Công an huyện Ninh Phước đang phối hợp với Công an TP HCM điều tra làm rõ vụ việc.
Ngày 22/8, Công an thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương thông tin, cơ quan CSĐT đang tạm giữ các đối tượng Lê Đức Anh (31 tuổi) và Lê Đức Hào (29 tuổi, em trai Đức Anh) để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Lợi dụng tình hình giãn cách xã hội, người dân lưu thông qua các khu vực phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19, hai anh em đã bàn bạc làm giả còn dấu, phiếu xét nghiệm bán cho người dân.
Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, lực lượng chức năng phát hiện 21 phiếu xét nghiệm COVID-19 giả cùng một số dấu mộc đỏ giả. Làm việc với công an, đối tượng Hào còn khai nhận đã bán 19 phiếu kết quả xét nghiệm COVID-19 giả cho nhiều người khác dùng để qua các chốt kiểm soát.
Trước đó, các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng phát hiện nhiều phiếu xét nghiệm COVID-19 giả.Thông tin từ Công an tỉnh Hải Dương cho hay, từ ngày 20/7 đến 9/8, lực lượng chức năng phát hiện 13 trường hợp vi phạm liên quan đến tem luồng xanh, 6 trường hợp nghi vấn sử dụng giấy chứng nhận giả kết quả xét nghiệm PCR để qua chốt…
Có thể bị xử lý hình sự
Luật sư Đặng Văn Sơn - Văn phòng luật sư Đặng Sơn. |
Luật sư Đặng Văn Sơn - Văn phòng Luật sư Đặng Sơn cho biết, hành vi làm giả và sử dụng giấy xác nhận đã điều trị khỏi COVID-19 để thông chốt về quê như một số thông tin báo phản ánh chính là làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tuỳ theo mức độ có thể bị xử phạt mức nhẹ nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. cao nhất có thể bị xử phạt đến 7 năm tù.
Trường hợp nếu những người đó di chuyển khi có bệnh mà làm lây lan dịch bệnh COVID-19 cho người khác có thể bị xử lý về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ luật Hình sự, tuỳ theo mức độ có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt tù lên đến 12 năm.
Ngoài ra, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi làm giả, sử dụng mã QR “luồng xanh” giả mạo còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự.
Mới đây, thông tin trên thế giới cho thấy đã phát hiện 10 trường hợp đầu tiên nhiễm chủng AY3 của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. AY3 là một trong những chủng đột biến mới của biến thể Delta, được cho là nguy hiểm hơn các chủng khác. Với biến chủng này, tại nhiều quốc gia đã chứng kiến tỷ lệ virus kháng vaccine ngày một tăng.
Như vậy có thể thấy tình hình dịch bệnh kéo dài, mức nguy hiểm cũng gia tăng theo từng ngày bởi những biến chủng mới. Do đó, nếu mỗi người dân không có ý thức, tự ý tìm mọi cách để về quê hoặc tránh vùng dịch sẽ gây ra hậu quả khó lường, gây ảnh hưởng đến nỗ lực chung của toàn xã hội. Ngoài ra, người vi phạm sẽ còn đối diện với những hình phạt của pháp luật.