Phải khẳng định vai trò sữa mẹ trong quảng cáo
Tại Điều 79, Dự thảo Nghị định đề xuất mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Cụ thể, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi không bảo đảm yêu cầu sau đây: Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”; Nội dung quảng cáo phải nêu rõ: “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”.
Đặc biệt, mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng được đề xuất áp dụng đối với hành vi sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm.
Hành vi cung cấp danh sách tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai cho nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc cho phép nhân viên cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ tiếp cận với phụ nữ mang thai, bà mẹ có con nhỏ tại cơ sở y tế cũng sẽ bị áp mức phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Mức phạt tiền đến 20 triệu đồng cũng được đề xuất áp dụng đối với hành vi tổ chức trưng bày sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi tại cơ sở y tế, trưng bày tên, logo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ trên các biểu ngữ, áp phích và tài liệu quảng cáo khác trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ và cơ sở y tế…
Những hành vi truyền thông nuôi dưỡng trẻ nhỏ vi phạm
Tại Điều 78 Dự thảo Nghị định, liên quan tới hành vi vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ, sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ và lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, Bộ Y tế đề xuất mức phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi phát hành tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ không bảo đảm nội dung cảnh báo có hại có thể xảy ra đối với sức khỏe của trẻ nhỏ nếu cho trẻ ngậm vú nhân tạo, bú bằng bình hoặc ăn bổ sung trước khi tròn 06 tháng tuổi hoặc cảnh báo việc tốn kém khi nuôi trẻ nhỏ bằng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ….
Đối với hành vi phát hành tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ không bảo đảm nội dung về lợi ích và tính ưu việt của việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ, khẳng định sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ, thông tin các yếu tố chống nhiễm khuẩn, đặc biệt là kháng thể chỉ có trong sữa mẹ có tác dụng giúp cho trẻ phòng, chống bệnh tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường hô hấp và một số bệnh nhiễm khuẩn khác, thì có thể bị phạt từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.
Hành vi phát hành tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ có tranh ảnh, lời văn hoặc các hình thức khác nhằm khuyến khích việc cho trẻ ăn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, cho trẻ bú bằng bình hoặc không khuyến khích việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ, hoặc so sánh sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ là tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ, hoặc có tên hoặc biểu tượng của sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ, bình bú, vú ngậm nhân tạo, có thể bị phạt từ 4 triệu đến 8 triệu đồng.
Mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng được đề xuất áp dụng đối với hành vi không ưu tiên thông tin, giáo dục, truyền thông về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ và phương pháp nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông về bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, về cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.