Đừng hỏi “bao giờ cho đến tháng Mười”…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Về thu xếp lại là tên ca khúc nhạc sỹ họ Trịnh - bỗng thật đúng khi chúng ta sống chậm lại, trong mỗi căn nhà thời đại dịch. Không còn quá nhanh, quá vội cho những cuộc hẹn làm việc, hẹn bạn bè, những chuyến đi, cho những giá trị bên ngoài. Không còn bận tâm cho những được mất, khi cuộc sống bỗng quá đỗi mong manh. Chúng ta sắp xếp lại cuộc sống, bình tĩnh và trực diện trong những “bình thường mới”, chung sống với Corona…
 Cuộc sống “bình thường mới” - không có nghĩa là đã hết Covid-19. ( Ảnh minh họa)
Cuộc sống “bình thường mới” - không có nghĩa là đã hết Covid-19. ( Ảnh minh họa)

Chung sống trong đại dịch

Tháng 9, năm học mới đã chính thức bắt đầu bằng một lễ khai giảng chưa từng có: Thầy cô hiệu trưởng phát biểu, đánh trống khai trường khi sân trường không bóng học sinh - thầy trò kết nối qua màn hình trực tuyến. Ở nhiều lễ khai trường trong ngày mùng 5/9, nhà trường dành thời gian để tưởng nhớ nạn nhân đã thiệt mạng vì COVID-19! Chúng ta đã thực sự sống chung với đại dịch, cũng giống như thời ông bà, cha mẹ chúng ta đã từng - mũ rơm đi học trong chiến tranh: vừa chiến đấu, học tập, vừa sản xuất. Ngày 14/9, Sở GD - ĐT TP HCM thông tin về tình hình đầu năm học mới, sau một mùa hè, đã có hơn 1.500 học sinh mồ côi cha mẹ vì COVID-19. Chỉ riêng con số này đã xót thương quá đỗi.

Theo TS Nguyễn Quốc Toàn - Chủ tịch EQuest Group, trong lúc này, học online gần như là lựa chọn duy nhất với nhiều tỉnh, thành phố. Ở ba đợt bùng dịch trước, phần lớn chúng ta đều không tha thiết với việc học online và mong rằng, học online chỉ là giải pháp tạm thời trước khi dịch bệnh qua đi. Chúng ta đã chờ đến mùa hè, qua mùa đông, rồi mùa xuân đến và một mùa hè nữa chuẩn bị qua đi, vắc xin cũng đã có! Nhiều nước đã phủ vaccinne đến 80% dân số nhưng COVID-19 vẫn còn đây, không ngừng thách thức nhân loại bằng những biến chủng mới…

Chúng ta có thể chờ hết COVID-19 để cùng ăn một bữa cơm với bạn bè, nhưng bệnh nhân không thể chờ nó biến mất mới đi khám bệnh, người nông dân không thể chờ hết COVID-19 mới trồng lúa, học sinh không thể chờ hết COVID-19 mới trở lại với việc học… Chúng ta phải học cách để thích nghi, để sinh tồn.

“Tôi hoàn toàn tin rằng một ngày nào đó COVID-19 sẽ biến mất và chúng ta sẽ sống sót qua thảm họa này, nhưng tôi cũng chấp nhận thực tế rằng nhân loại sẽ phải sống chung rất lâu với nó. Hãy chấp nhận COVID-19 như chấp nhận những thảm họa thiên nhiên vẫn đến với con người hàng năm. Thi thoảng chúng ta sẽ phải lockdown, rồi lại mở cửa, rồi lại lockdown. Nhưng chúng ta phải xoay xở được cách sống “bình thường mới” kể cả khi ấy.

Ngày xưa, để gặp đối tác, tôi sẽ phải bay ra Hà Nội, bay đi nước ngoài cả tuần. Nhưng COVID-19 đã giúp tôi nhận ra những buổi họp meeting online cũng hiệu quả không kém. Tôi có thể tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian và kết nối với hàng ngàn người cùng một lúc mà không tốn kém. Bây giờ, chỉ cần một cái máy tính hoặc điện thoại có kết nối wifi, hàng nghìn nhân viên của chúng tôi có thể “gặp nhau”, nói chuyện với nhau ngay tại chính ngôi nhà của họ.

Thế hệ cha mẹ chúng ta đã sống với tinh thần như thế. Vì nếu như họ không tiếp tục sống, không vừa đánh giặc, vừa lao động, sáng tác nghệ thuật thì làm sao cả đất nước có thể đi qua mấy chục năm chiến tranh dài đằng đẵng? Họ chắc chắn hiểu hơn ai hết về khái niệm “bình thường mới” kiểu thời chiến. Vậy hãy nghĩ là chúng ta vẫn đang “thời chiến” (với COVID-19) và chúng ta nhất định phải sống cho ra sống, như cha mẹ chúng ta đã từng: kiên cường chiến đấu, hăng say lao động và bình thản yêu thương”!- TS Nguyễn Quốc Toàn bày tỏ.

Thế giới bỗng bé lại trong căn bếp mỗi nhà

Có nhiều ý kiến cho rằng, đại dịch COVID-19 đã thay đổi vĩnh viễn xã hội loài người và sợ rằng chúng ta không thể quay lại như xưa. Tính đến thời điểm này, COVID đã cướp đi khoảng 5 triệu người trên toàn thế giới và con số sẽ còn tiếp tục tăng lên. Nó thay đổi cả cuộc ra đi cuối cùng của một con người trên thế gian này. Khi những bức ảnh về việc mai táng tập thể vội vã trong cơn đại dịch từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt hình ảnh những đống lửa hỏa thiêu người mất vì COVID từ Ấn Độ được truyền đi, thế giới đã rơi vào sự khủng hoảng tinh thần như chưa từng thấy.

Phô cổ Hà Nội.

Phô cổ Hà Nội.

Ở Việt Nam, những ngày qua, những nạn nhân ra đi vì COVID-19, cũng giống như các nước khác, là cuộc ra đi lặng lẽ, người thân không thể đưa tiễn, không thể ở bên phút cuối - dẫu nghĩa tử là nghĩa tận. Tất cả vô cùng đau lòng, nhưng không thể khác và chúng ta bắt đầu phải nghĩ về tương lai của con người rằng không còn như trước nữa. COVID-19 xuất hiện, nó đã bắt con người trở lại điểm xuất phát ở một nghĩa nào đó và phải làm lại. Không còn cách nào khác, chúng ta phải đối diện và chiến đấu lâu dài với COVID-19. Thay vì sợ hãi hay hoảng sợ, chúng ta sắp xếp lại và cuộc sống sẽ tiếp diễn…

Theo nhà thơ Bình Nguyên Trang, con người phải đoàn kết, xót thương nhau mới có thể tồn tại, đấy là điều chúng ta học được từ đại dịch COVID-19. Chia sẻ vaccine, chia sẻ thuốc điều trị, chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm chữa trị, chia sẻ nhu yếu phẩm cần thiết và chia sẻ tinh thần, tình thương, động viên giúp đỡ nhau đang trở thành một trụ năng lượng chính để cả thế giới vận hành theo. Một người dường như tốt hơn trước đó, nhờ tinh thần sẵn sàng cho đi, sẵn sàng nắm lấy bàn tay người khó khăn, yếu thế, kém may mắn hơn mình.

Và khi chúng ta dừng lại những cuộc tìm kiếm bên ngoài, chúng ta cũng ngừng so sánh. Nhà cửa, xe cộ, tiền bạc, quần áo hàng hiệu, những vật chất mà ta hằng bám chặt… trong những ngày dịch bệnh phải ở nhà bỗng trở nên thừa thãi, thậm chí chẳng còn nhiều ý nghĩa như chúng ta tin trước đó. Nó là những vật “ngoài thân”, chẳng thể giúp cho chúng ta khỏe mạnh hay an toàn hơn trước phán quyết của sinh vật nhỏ bé Corona virus. Cũng như những ngày tháng sống vội, chúng ta đã mỗi ngày đi xa khỏi con người của chính mình. Xa yêu thương, xa những bé mọn ấm lòng…

Làm việc ở nhà, chị Vĩnh Hà (Hà Nội) chia sẻ: “Thế giới là căn bếp, nơi tôi làm bánh và nấu nướng. Là khu vuờn trồng trong hộp xốp có tía tô, bạc hà, cây sả, lá gừng. Thế giới là căn phòng của con, nơi lúc nào mở cửa cũng thấy con ngồi trước máy, trang sách mở chi chít chữ.

Thế giới là phòng bố, mẹ, nơi có mùi ngải cứu khô đốt trong cái lò nhỏ. Thế giới là những ô nhỏ khác nhau trên máy tính. Bạn bè, đồng nghiệp chia sẻ cảm xúc bằng icon. Xa lắc như cách vài vòng trái đất. Thế giới là con đường sau nhà vắng hoe. Lâu lắm mới nghe tiếng lá rơi rất khẽ.

Chúng tôi bỗng trở nên nhàn rỗi hơn khi không phải hít khói, bụi tắc đường, ngược xuôi với bao cuộc hẹn. Không nhiều những kỳ vọng và thất vọng, tức giận, bức xúc, lo âu. Chúng tôi dè sẻn hơn những khoản chi tiêu và lạ thay dè sẻn hơn nhiều mong muốn.

Tôi cũng như bao người, lược bỏ những điều không cần thiết, những thứ không phải của mình, những gì không thể đổi thay. Trước kia nhiều khi tôi nhìn thấy bão trong tách trà im lặng. Còn bây giờ, tôi chỉ thấy một điều duy nhất: Nhà là nơi nương náu cuối cùng”…

Dường như mỗi chúng ta, bằng một cách nào đó, trong sự “thu xếp lại” đều trở về với bản ngã của mình, tìm niềm vui trong những bình yên, trong tình thân, những say mê đã từng quên lãng. Chúng ta không còn quá phụ thuộc vào những món đồ mới, những chuyến đi… Chúng ta có những khoảng thời gian tĩnh lặng, để luôn bước về phía trước, trong những thích nghi mới. Mà không cần chờ đợi “bao giờ cho đến tháng Mười”, hay đợi khi nào dịch bệnh qua đi mới bắt tay làm lại…

Đọc thêm