Khi chúng ta biết ơn từ những điều bé nhỏ
Lòng biết ơn theo quan niệm của người Việt Nam “là sự bày tỏ thái độ trân trọng, tình cảm và những việc làm đền ơn, đáp nghĩa đối với những người đã giúp đỡ mình, với những người có công với dân tộc, đất nước” (Giáo dục công dân - Bộ GD&ĐT). Theo đó, lòng biết ơn được hiểu là một tình cảm, thái độ và hành động tốt đẹp thể hiện phẩm chất đạo đức, đức tính tốt đẹp của con người đối với cộng đồng đặt trong tổng thể các mối quan hệ xã hội diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Đồng nghĩa với lòng biết ơn thể hiện bản ngã con người, quyết định sự sinh tồn của con người đối với cuộc sống hiện tại. Bởi thế, từ xưa đến nay, việc giáo dục lòng biết ơn luôn được chú trọng từ gia đình đến nhà trường và xã hội, bởi “Uống nước nhớ nguồn” luôn là truyền thống quý báu và tốt đẹp của dân tộc ta.
Tuy nhiên, còn đâu đó do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, sự phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ… Điều đáng buồn, trong đời sống xã hội hiện nay một số ít bạn trẻ có lối sống hưởng thụ, vô cảm làm cho lòng biết ơn đang dần mai một. Điều đáng nói là, lối sống lệch lạc đó vô hình trung ít nhiều xâm lấn vào các nhà trường, vào một bộ phận học sinh, nhất là lứa tuổi phổ thông hiện nay.
Do đó, những ngày vừa qua, với trường hợp đáng tiếc của một học sinh ở Yên Bái lan truyền trên mạng xã hội làm chúng ta sững lại bởi sự bồng bột, phiến diện của một cậu bé chưa trưởng thành. Cùng với đó, cũng không thể không xem nhẹ việc giáo dục học sinh thận trọng, biết dùng, ứng xử với mạng xã hội đúng cách, tránh trở thành nạn nhân của dư luận trên mạng xã hội.
Lòng biết ơn không chỉ với những gì to tát. Chúng ta sẽ biết trân trọng cuộc đời khi biết tận hưởng những điều dung dị trong cuộc sống mỗi ngày. Chúng ta dành thời gian lắng lại để ngắm nhìn, thưởng thức vẻ đẹp mọi thứ xung quanh… Chúng ta coi trọng sự phong phú của thế giới này cũng là một phần của lòng biết ơn. Trân trọng hiện tại giúp chúng ta kết nối với mọi người, lan tỏa yêu thương nhiều hơn, vui vẻ và lạc quan hơn. Việc giúp các em học sinh biết trân trọng và tận hưởng những điều nhỏ bé nhưng quý giá trong cuộc sống, rèn luyện lòng biết ơn chính là những bài tập giúp các em nhận ra hạnh phúc đến từ những điều bình dị, giản đơn trong cuộc đời. Đó là sự trân trọng, sự khiêm nhường, sự độ lượng, vị tha, dung dị, yêu thương và những năng lượng tích cực cần có trong mỗi con người…
Ở góc độ giáo dục, thầy Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định, giáo dục là vì mục tiêu thức tỉnh lương tri. Không ít sự vô cảm đang hiện hình trong cuộc sống, không ít người tìm cách bao biện cho những hành vi đó. Dù giáo viên dạy văn hay dạy toán, dạy tự nhiên hay xã hội, cuối cùng để mỗi người hiểu biết hơn, sống với nhau tử tế hơn, yêu quý nhau hơn và tôn trọng nhau hơn. Chúng ta hãy cố gắng “đánh thức” lòng trắc ẩn trong mỗi con người, dù đâu đó có lúc ngủ quên. Chớ vội vàng “ném đá” gây tội trên không gian mạng, mà hãy là những người có đủ bình tâm, trách nhiệm và tự trọng. Đừng làm xước những con tim mà hãy là người đi làm lành những tổn thương nhân thế. Thầy kỳ vọng một thế hệ sinh viên hiếu học và học thật. Học để phát triển bản thân và để phụng sự, chứ không học vì những tham vọng, vì những hào nhoáng bằng cấp. Đừng coi bằng cấp chỉ là nấc thang vì mục đích danh lợi…
Để học sinh, sinh viên hiểu về những giá trị
Bạn trẻ tham gia hành trình Tôi yêu Tổ quốc tôi tại tỉnh Điện Biên. (Ảnh: BTC). |
Em Nguyễn Trâm Anh, học sinh lớp 7A Trường THCS Nguyễn Du cho biết em đã được lồng ghép giáo dục quốc phòng và an ninh thông qua nội dung các môn học. Trong môn Ngữ văn lớp 8, có giáo dục lòng tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của ông cha khi dạy văn bản “Hịch tướng sĩ”, “Nam quốc sơn hà”. Trong môn Địa lý 8, học sinh được chỉ ra những cơ sở pháp lý của Nhà nước ta để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông và hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Ngoài ra, chuyện về những tấm gương các anh hùng liệt sĩ đã cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng cũng được giảng dạy rất kỹ trong môn GDCD 9;… Học sinh còn được tham gia đóng kịch, từ đó hiểu rõ các quy định và luật pháp nhà nước để thực hiện nghiêm túc. Nhiều môn học dạy về kĩ năng sống, văn hóa ứng xử, quy chuẩn đạo đức, phòng, chống tệ nạn xã hội, ý thức bảo đảm trật tự nơi công cộng. Đồng thời cũng có những bài học giáo dục về những truyền thống đạo lý của dân tộc như “Uống nước nhớ nguồn”, “Lòng ái quốc”.
Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đa dạng và hiệu quả dành cho học sinh. Bên cạnh đó, học sinh tham gia các hoạt động bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương, bệnh binh, đi thăm các “địa chỉ đỏ”… học sinh được tuyên truyền, giáo dục, từ đó nêu cao cảnh giác, chủ động, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm góp phần bảo vệ an ninh Tổ quốc và an toàn trường học.
Về việc triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên tại địa phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang Đào Thị Hường cho biết: 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong trường học và trên không gian mạng, 100% các trường phổ thông thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh. Năm học 2023 - 2024, đã có hơn 30 nghìn học sinh được phát hiện, tư vấn, hỗ trợ những khó khăn về tư tưởng, tâm lý, trong đó 54 em thuộc diện có nguy cơ bỏ học đã được hỗ trợ kịp thời để tiếp tục theo học.
Với thế mạnh là một trường đại học đào tạo đa ngành nghề, đại diện Trường Đại học Văn Lang chia sẻ: Nhà trường luôn tích cực, chủ động trong việc lan tỏa các giá trị văn hóa, nghệ thuật, khoa học, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Mỗi năm, nhà trường tổ chức hơn 800 sự kiện với nhiều nhóm sự kiện khác nhau bao gồm diễn đàn/hội thảo/tọa đàm/workshop đa dạng các lĩnh vực từ học thuật, kỹ năng, văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao. Ngoài ra, cũng tổ chức hơn 100 chương trình, sự kiện văn hóa văn nghệ, lễ hội truyền thống, thu hút hàng nghìn sinh viên tham gia và lan tỏa những ý nghĩa về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên - Bộ GD&ĐT Trần Văn Đạt, để các nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên được thực hiện hiệu quả, trong năm học tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy định; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác truyền thông; tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ người học; nâng cao chất lượng nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên. Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động và tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh, cần phải tiếp tục có thay đổi nhận thức công tác này ở tất cả các cấp. Bởi theo Thứ trưởng, mục tiêu, nhiệm vụ, công tác tư tưởng, công tác chính trị, công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng, lối sống là gốc là nền tảng, là cơ sở để xây dựng nên “ngôi nhà” giáo dục với những chương trình, kế hoạch và những đổi mới.
Đặc biệt là rà soát lại các văn bản, quy định, quy chế. “Nếu văn bản, quy định còn hiệu lực và phù hợp thì cần bắt buộc thực hiện. Nếu văn bản, quy định không còn phù hợp cần phải có bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Có như vậy công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo mới đúng hướng, phù hợp và hiệu quả”, Thứ trưởng nói.
Về nội dung chuyên môn, đối với công tác chính trị, tư tưởng Thứ trưởng lưu ý, cần xây dựng nên giá trị và hệ giá trị. Học sinh và sinh viên phải được tiếp cận với những giá trị vừa truyền thống, vừa hiện đại để có những giá trị đạo đức chuẩn mực nhưng vẫn tiếp cận được với những năng lực hiện đại của công dân toàn cầu.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên trong thời gian tới, Thứ trưởng cũng yêu cầu cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác xã hội, tăng cường hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường, lưu ý về công tác nhân sự; công tác phối hợp giữa các bên gia đình, nhà trường và xã hội…
Ông Nguyễn Quang Huy, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn chia sẻ: Bằng nhiều cách khác nhau, người trẻ đã và đang thể hiện tình yêu đất nước theo cách riêng của mình. Trong mỗi việc làm, trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc luôn được đặt lên trên hết, mang nhiệt huyết, sáng tạo của tuổi trẻ để phụng sự Tổ quốc. Tôi có thể khẳng định tuổi trẻ ngày nay không ngừng học hỏi, tiếp thu cái mới tích cực và ngày ngày bồi đắp cho mình tình yêu đất nước, niềm tự hào sâu sắc khi nhắc đến hai chữ Việt Nam. Tình yêu đất nước của người trẻ được thể hiện rõ qua những việc làm rất cụ thể và có ích cho cộng đồng, cho xã hội.
Thế hệ trẻ hôm nay được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình và luôn tự hào nối tiếp tinh thần yêu nước trao truyền từ thế hệ cha ông đi trước. Tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc luôn là một mạch nguồn đã thấm sâu, chảy mãi, ngày càng được hun đúc, tỏa sáng trong tâm hồn mỗi người trẻ.