Chẳng hạn như việc chính quyền muốn bỏ việc gửi xe hai bánh miễn phí tại các bệnh viện – một “di sản” mà ông Nguyễn Bá Thanh để lại. Hỏi nhưng cũng là một yêu cầu giữ lại cái quy định mang tính nhân văn và đã trở thành thương hiệu của thành phố này.
Cũng không hề ngần ngại khi cử tri yêu cầu làm rõ những đồn đoán về ông Vũ “nhôm”, một doanh nhân quyền lực, nhận được nhiều ưu ái trong việc mua nhà công sản, thực hiện dự án, được coi như là đầu mối trong những lình xình mà thành phố đang gặp phải. Họ cũng yêu cầu chính quyền thành phố phải sửa đổi quy định cho đúng luật pháp đối với đất được thuê dài hạn. Còn nhớ, lần tiếp xúc cách đây chưa lâu với Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, cử tri cũng đã nêu ra những vấn đề rất nóng, là nỗi bức xúc chung của xã hội và đến giờ, một phần của các kiến nghị của cử tri đó đã được trả lời bằng những hành động cụ thể.
Đúng là chất bộc trực của người xứ Quảng đã được thể hiện cả ở tiếng nói của cử tri và cũng đáng để coi như một “thương hiệu” của Đà Nẵng. Đặt trong một bối cảnh chung, nhiều cuộc gặp gỡ cử tri chỉ mang tính hình thức, báo cáo kết quả là chủ yếu và không để một thời gian thích đáng cho người dân nói và nghe dân nói. Các cuộc tiếp xúc cử tri thực ra là cuộc gặp mặt với các “đại cử tri” mà thôi. Chính quyền địa phương, nơi tiếp xúc cử tri chỉ bố trí một số người được lựa chọn để đi họp, kể cả cấp HĐND huyện cũng vậy.
Nếu không muốn nghe dân nói thật cũng như nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, không chấn chỉnh kịp thời những sai phạm thì hậu quả nặng nề tất xảy ra. Bài học nhãn tiền là một số lãnh đạo cao cấp khi bị xử lý, trong đó có ông Đinh La Thăng từng thốt lên tiếc nuối khi đứng trước Ủy ban Kiểm tra Trung ương: “Giá mà các đồng chí kiểm tra phát hiện sớm thì hậu quả không nặng nề như vậy”.
Tiếp xúc dân, để dân nói, lắng nghe dân, tiếp thu và kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, thiếu sót của mình thì sẽ không rơi vào tình trạng “vết xe đổ” rồi lại thốt lên tiếc nuối thì lúc đó đã muộn rồi!