Dùng nhiều biện pháp hồi sức giúp trẻ mắc sốt xuất huyết vượt cửa tử

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mắc sốt xuất huyết, nam sinh 14 tuổi bị tổn thương đa cơ quan, hơn một tháng nay liên tục được các bác sĩ dùng nhiều biện pháp hồi sức cấp cứu hiện đại nhất để cứu giữ được mạng sống của em.
BS thăm hỏi bệnh nhân - Ảnh: Duy Hiệu
BS thăm hỏi bệnh nhân - Ảnh: Duy Hiệu

Cuối tháng 4, mẹ đưa em đến một bệnh viện ở huyện Hóc Môn cấp cứu nhưng chưa xác định được sốt xuất huyết. Hôm sau, trẻ tiếp tục sốt cao, tay chân lạnh, mệt lả.

Khi bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm xác định bé mắc sốt xuất huyết cũng là lúc bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên do tình trạng chuyển nặng. Bệnh nhân 14 tuổi nhưng nặng 53 kg, thể trạng béo phì.

"Lúc đến Bệnh viện Nhi đồng 1, bé chướng bụng, than mệt nhưng vẫn tỉnh táo, đòi mẹ đưa đi chơi chứ không chịu nằm viện. Đó là lần cuối tôi nói chuyện với con cho đến hơn một tháng bé được chuyển vào phòng hồi sức", người mẹ cho biết.

PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), cho biết các bác sĩ đã nỗ lực dùng nhiều biện pháp hồi sức, từ thở máy, lọc máu, thay huyết tương để giữ được mạng sống cho bé.

"Tình trạng trước đó của bé rất nặng, suy gan, suy thận, tổn thương đa cơ quan. May mắn là hiện bé được ngưng lọc máu. Vấn đề chính còn lại là suy hô hấp, bé đang được tập thở phục hồi phổi", PGS Quang nói.

Trong năm nay, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã ghi nhận một trẻ 13 tuổi tử vong do sốt xuất huyết. Bệnh nhi khởi phát sốt liên tục 3-4 ngày, gia đình đưa đến phòng khám tư và được cho thuốc uống, về nhà theo dõi. Nhưng hôm sau, bệnh tình trở nặng, gia đình đưa Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu. Tuy nhiên, trên đường chuyển viện, bé ngưng tim, ngưng thở, được đưa ngay vào bệnh viện gần nhất để cấp cứu.

"Sau khi cấp cứu xong thì bé được chuyển Bệnh viện Nhi đồng 1, tuy nhiên do bệnh cảnh quá nặng và bé đã ngưng hô hấp tuần hoàn, bị sốc nặng, suy đa cơ quan nên chúng tôi không cứu được", PGS Quang kể.

Chuyên gia nhấn mạnh sốt xuất huyết mặc dù không phải bệnh mới và quá nguy hiểm nhưng nếu chủ quan, người bệnh vẫn có thể nguy kịch, thậm chí tử vong.

Nguyên nhân là sốt xuất huyết thường gây sốt trung bình từ 2 đến 7 ngày, thường đến ngày thứ 3-4 là hết sốt. Khi hết sốt thì đa số người dân lầm tưởng đã khỏi bệnh. Thế nhưng, thực tế là khi hết sốt cũng là giai đoạn có nguy cơ trở nặng rất cao nếu không theo dõi các dấu hiệu.

PGS Quang khuyến cáo hiện nay, bất kỳ trẻ nào sốt 2-3 ngày trở lên đều nên đưa đến cơ sở y tế, tại đây, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm tìm sốt xuất huyết. Nếu biểu hiện nhẹ, trẻ được theo dõi tại nhà.

Chuyên gia hướng dẫn khi trẻ hết sốt, phụ huynh nên theo dõi các dấu hiệu như lừ đừ, mệt, nôn ói, đau bụng, tay chân lạnh, da nổi bông, tiểu ít, nôn ra máu, tiêu phân đen… Nếu có biểu hiện này, bất kể giờ giấc, trẻ cần được đưa đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ chăm sóc.

"Có những trẻ nhập viện muộn, tình trạng nặng quá, chúng tôi cố cũng không thể làm gì khác được, do đó, quan trọng nhất là phát hiện sớm yếu tố nguy cơ thì tiên lượng điều trị tốt hơn", PGS Phạm Văn Quang nói.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành phố ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 66,5% với cùng kỳ năm 2021 là 7.039 ca, với số ca sốt xuất huyết nặng là 209 ca, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Riêng ghi nhận trong tuần 22 (từ ngày 27/05/2022 đến 02/06/2022), thành phố có 1.504 ca bệnh SXH, tăng 329 ca (28%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca SXH tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Trong tuần hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Như vậy số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay vẫn là 07 trường hợp.

Số ca bệnh SXH tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, TP Thủ Đức trừ Quận 10. Những phường xã có số ca bệnh tăng cao so với trung bình 4 tuần trước là phường 5 (Quận 8); phường Tân Thới Nhất (Quận 12); xã Phước Vĩnh An (Huyện Củ Chi).

Đọc thêm