Đừng phí hoài những tháng năm rực rỡ

(PLVN) -Mới đây, bài phát biểu của một vị giáo sư (GS) tại một trường đại học ở Hà Nội đã gây sự chú ý của dư luận. Chú ý vì phát biểu diễn văn thì mỗi ngày có thể có hàng trăm, hàng ngàn tại các sự kiện; nhưng những phát biểu thoát khỏi sự sáo rỗng, làm người nghe nhập tâm suy nghĩ lại không nhiều.
Ảnh minh họa.

Trong lần phát biểu khai giảng cuối cùng trên cương vị hiệu trưởng một trường đại học, vị GS này dành nhiều lời khuyên cho sinh viên, những người đang sống những tháng ngày được ví là những tháng năm rực rỡ. Ông nói hiện sinh viên có nhiều trăn trở, lo toan như sự nghèo khó, những khó khăn của nghề, những yêu cầu khắt khe về nhân lực. Ông thấy nhiều người kêu ca, cả ở đời thực và trên mạng, thậm chí đem những u uất, bi quan gieo vào lòng người khác. Điều này là không nên.

“Thử hỏi chỉ ngồi kêu ca, ngồi làm “anh hùng” bàn phím thì sẽ được gì hơn; có bớt đi đói nghèo được chút nào không? Sao không nghĩ và làm một việc tốt hơn, chí ít cũng có ích cho chính mình”, ông đặt vấn đề.

Theo ông, tuổi 18, đôi mươi mà chỉ ngồi ủ dột, than nghèo, than khó thì “chán quá chừng”. Dù không thể chối bỏ thực tại nhưng sinh viên cũng không nên ngồi để chờ “3 điều ước trong chuyện cổ tích” mà phải nghĩ cách làm thông minh và hành động. “Nghèo khó không phải là hèn, phải coi nghèo khó của mình, của gia đình và của quê hương, đất nước là một nỗi đau để tìm cách làm cho giàu có một cách chính đáng. Và con đường rõ ràng nhất là phải học, phải giáo dục để mỗi người biết phải làm gì”, ông nêu quan điểm.

Ông cũng nhắc nhở sinh viên học đại học không phải chỉ học để thi, để lấy điểm cao một cách đơn thuần. Học đại học là học cách đề xuất, giải quyết vấn đề, tức là học phương pháp làm việc hiệu quả. Câu hỏi học để làm gì phải luôn thường trực trong mỗi người. Sinh viên cần nắm bắt thực tiễn diễn ra như thế nào; những cái hay, cái tốt; những hạn chế, bất cập; những nguyên nhân rồi tìm giải pháp tốt nhất. Do đó, cần loại bỏ cách học “mẹo”, thay vào đó là tự học gắn liền với nghiên cứu.

Bài phát biểu nêu trên còn đáng để mọi người suy nghĩ, vì xuất hiện trong giai đoạn thời gian vừa qua, có nhiều vấn đề mới, vụ việc mới liên quan đến giới trẻ. Đó là quan niệm “tiền là tất cả”, “muốn hơn người phải nhiều tiền”… xuất hiện trong một bộ phận giới trẻ. Một số em sống buông thả, chạy theo vật chất để chấp nhận những mối quan hệ kiểu “sugar baby - suger daddy”, hay “chị em tình cảm”… Có vụ án kinh hoàng sau khi xảy ra mọi người mới bàng hoàng tự hỏi vì sao lại có chuyện cô gái chưa đầy 20 tuổi lại quan hệ tình cảm với người đàn ông đã có vợ con hơn mình gần 20 tuổi, rồi dây dưa mâu thuẫn tiền bạc, rồi xảy ra án mạng.

Trên một diễn đàn nổi tiếng, lý giải nguyên nhân xuất hiện một số vấn đề mới liên quan giới trẻ gây nhức nhối xã hội, một số ý kiến cho rằng có nguyên nhân vô tình từ mạng xã hội, từ truyền thông sai cách. Không ít bài viết chạy theo thị hiếu bạn đọc, chưa kiểm chứng rõ ràng mà vội vàng tung hô người trẻ này kia nào là xinh đẹp, sành điệu, giỏi giang kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng, mua nhà lầu này, xe sang nọ… Đó là một yếu tố kích thích giới trẻ chạy theo một “giá trị” mới, bất chấp mê - tỉnh, đúng - sai; rồi khi không đạt được, lại kêu ca bi quan, lún vào sai lầm, phí hoài tuổi trẻ.

Những vấn đề nêu trên, có lẽ cũng là điều mà chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam mà Bộ VH,TT&DL đang xây dựng, cần lưu ý.

Đọc thêm