Thuế du lịch đã giải quyết được vấn đề gì?
Áp thuế đối với du khách là xu hướng nổi bật trong nhiều năm gần đây, bởi một thực trạng đáng lo ngại ở các “điểm nóng” du lịch trên toàn thế giới là sự quá tải du khách và nguy cơ phá vỡ cảnh quan, hư hại di tích lâu đời, xáo trộn cuộc sống người bản địa, dẫn tới du lịch phát triển thiếu bền vững.
Vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng thuế du lịch với du khách nhằm góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng – dịch vụ du lịch, khắc phục tình trạng quá tải, mất kiểm soát, cũng là để cảnh báo khách du lịch về những hậu quả nghiêm trọng mà du lịch đã để lại cho đất nước sở tại.
Bắt đầu từ tháng 1/2019, Nhật Bản sẽ áp dụng chính sách thu thuế xuất cảnh với mức 1.000 yen Nhật (khoảng 215.000 đồng/người) khi rời khỏi Nhật Bản bằng máy bay hay tàu biển. Thuế xuất cảnh được áp dụng với tất cả mọi hành khách, kể cả người Nhật trừ trẻ em dưới 2 tuổi và hành khách quá cảnh trong vòng 24h.
Theo thống kê, đất nước này đón hơn 30 triệu lượt khách năm 2018, gây sức ép tiêu cực tới các điểm tham quan như vẽ bậy, phá hoại cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử.
Theo Japan Times, nhà chức trách Nhật ước tính nguồn thu từ thuế xuất cảnh sẽ đạt 50 tỉ yen (khoảng 10 nghìn tỷ đồng) trong năm tài khóa 2019. Chính phủ Nhật dự kiến sử dụng nguồn thu trên để phục vụ cho những giải pháp trong ba lĩnh vực sau: tạo một môi trường du lịch trong sạch, chất lượng, tiện ích hơn; cải thiện khả năng truy cập thông tin về các điểm tham quan của Nhật Bản; bảo tồn, cải tạo các tài sản văn hóa, tự nhiên độc đáo tại các khu vực du lịch cao điểm; nhằm mở rộng năng lực tiếp nhận thêm du khách nước ngoài tới Nhật, phát triển các cơ sở du lịch cũng như giải quyết nhanh hơn các thủ tục nhập cư.
Theo hãng thông tấn Pháp AFP, thành phố Venice (Ý) áp dụng “thuế vào cửa” đối với du khách với mức từ 2,9 – 11,5 euro (khoảng từ 70 – 300 nghìn đồng) tùy theo mùa. Đây là luật thuế mới đã được phê chuẩn tại Ý, sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 7/2019, với bất cứ ai tới thành phố, dù họ có ở lại đó qua đêm hay không.
Các quan chức thành phố ước tính thuế mới sẽ giúp mang lại nguồn thu khoảng 50 triệu euro (hơn 1.000 tỷ đồng) mỗi năm, nhằm phục vụ các giải pháp về vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh cho thành phố này. Trước đó, cũng đã có nhiều nước áp dụng khoản “thuế rời đi” đối với du khách quốc tế như Campuchia (25 USD/người), Trung Quốc (16 USD/người), New Zealand (35 USD/người),…
Việt Nam có nên áp dụng thuế du lịch?
Trong những năm qua, ngành du lịch tại Việt Nam có mức tăng trưởng vượt bậc, trở thành một trong những điểm đến hàng đầu châu Á và trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, tính chung cả năm 2018 đạt hơn 15 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017.
Hoạt động du lịch đã để lại nhiều bài toán khó cho các cơ quan chức năng về việc trùng tu, bảo dưỡng di tích lịch sử, tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn truyền thống, văn hóa, kèm theo những vấn nạn về an ninh an toàn, giao thông ùn tắc, ô nhiễm môi trường,…
Quả thực, đối với du khách tới Nhật Bản, “thuế rời đi” có thể được coi như một dạng “tiền típ” ở Mỹ, dành cho những dịch vụ khách hàng cảm thấy hài lòng, độ hài lòng càng cao, tiền “tip” càng nhiều. Song, ngược lại, tại Việt Nam, nhiều địa điểm du lịch còn nhiều bất cập, công ty du lịch hoạt động kém hiệu quả; thì khoản thuế áp dụng lên du khách có thể gây phản tác dụng.
Khách du lịch vừa không có trải nghiệm thỏa mãn, lại phải nộp thêm khoản phụ phí, trong khi họ đã phải chi trả cho toàn bộ chuyến đi bao gồm dịch vụ lưu trú, tham quan, ăn uống. Khách trả nhiều tiền nhưng không nhận được kết quả như ý, dịch vụ không cải thiện, lần sau họ sẽ không quay lại nữa và chắc chắn cũng không giới thiệu bạn bè, người thân của mình tới địa điểm đó.
Theo phân tích của PGS.TS Lê Vương Long - giảng viên cấp cao Trường Đại học Luật Hà Nội: “Từ góc độ quản lý nhà nước, trong điều kiện du lịch hiện nay của đất nước ta, việc áp thuế du lịch là chưa cần thiết, bởi ưu tiên trước mắt là phải cải thiện khâu tổ chức, quản trị du lịch.
Nếu cân nhắc giải pháp thu thuế về sau, có thể thực hiện tăng thuế đối với chủ thể là các công ty du lịch sẽ hợp lý hơn thu thuế ra, vào của du khách. Như vậy, vừa không ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch nước nhà trước bạn bè quốc tế, bởi tạo ra một khoản thu khó được chấp nhận; vừa tạo động lực bắt buộc cho các công ty lữ hành có trách nhiệm hơn với việc tổ chức tour và chăm sóc khách du lịch, lại tạo nguồn thu cho Nhà nước để trùng tu, cải tạo các địa điểm, di tích du lịch, danh lam thắng cảnh, tăng thêm chất lượng dịch vụ, trải nghiệm của du khách”.
Nói tóm lại, phát triển du lịch bền vững trong thời đại hội nhập toàn cầu là một nhiệm vụ lớn của ngành du lịch Việt Nam. Theo tờ báo Telegraph (Anh), các chuyên gia du lịch cho rằng, thuế du lịch có thể làm hạn chế nhu cầu du lịch, nhưng cũng là một giải pháp cho tình trạng quá tải, đồng thời tăng thêm doanh thu cho đất nước, phục vụ trực tiếp cho lợi ích cộng đồng địa phương.
Tuy vậy, cần nhấn mạnh, giải pháp thu thuế du lịch cần được xây dựng hợp lý, phù hợp với bối cảnh đất nước hiện tại; bên cạnh đó, kế hoạch sử dụng nguồn tiền cũng cần xây dựng rõ ràng, minh bạch, kèm theo giám sát thực hiện sát sao, chặt chẽ để tránh những bất cập, tiêu cực, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng tới uy tín của nước nhà.