Luật sư cung cấp chứng cứ từ Gingapore
Đúng như dự đoán, tại phần thủ tục khai mạc phiên tòa luật sư Trần Đình Triển- người bào chữa cho bị cáo Dũng đã cung cấp bản khai của ông Goh- Giám đốc Cty AP Singapore. Nội dung khai này, ông Goh đã tuyên thệ trước pháp luật và khai trước Công chứng viên, có xác nhận của Viện pháp luật Singapore. Tài liệu cũng đã được Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự, tức là đã được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.
Ngoài việc cung cấp chứng cứ này thì ông Triển cho biết, do chưa kịp phô tô nên chiều nay, ông sẽ cung cấp cho Tòa một tập hồ sơ mới thể hiện những chuyến đi Nga của ông Sơn, những văn bản trao đổi giữa ông Sơn với phía Nga về việc thương thảo mu ụ nổi 83M. “với những chứng cứ này thì HĐXX phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ ai là người thỏa thuận, thương thảo với phía Nga về việc mua ụ nổi và chuyển 1,666 triệu USD về Việt Nam”- Luật sư Triển nói.
Cùng bào chữa cho bị cáo Dũng, Luật sư Trần Đại Thắng đề nghị triệu tập nhân chứng là ông Goh và ông Prikhodko- đại diện Cty Globel Success của Nga để làm rõ về việc thân chủ mình có phải là người thỏa thuận lại quả 1,666 triệu USD hay không. Ngoài ra, cũng cần triệu tập anh Phạm Văn Quỳnh- người mà Sơn khai rằng đã lái xe đã mình sau khi đưa va ly tiền cho Dũng tại khách sạng Victory.
Luật sư Hoàng Huy Được (bào chữa cho bị cáo Phúc) và Luật sư Ngô Ngọc Thủy (bào chữa cho bị cáo Dũng) đều đề nghị triệu tập ông Goh và ông ông Prikhodko để làm rõ ai là người thương thảo, ai là người hưởng 1,666 triệu USD vì trong hồ sơ chưa có tài liệu tương trợ tư pháp với Nga.
Trước đề nghị này, Kiểm sát viên cho rằng, không cần phải triệu tập ông Goh và ông ông Prikhodko vì “Chúng ta đang xem xét hành vi của các bị cáo có sai phạm tại việt nam. Hành vi của các bị cáo thực hiện ở Việt Nam, khi ụ nổi đã đưa về Việt Nam’.
Đối với việc triệu tập lái xe Quỳnh, Kiểm sát viên cho rằng, “Có nhân chứng này thì cũng tốt, không có thì cũng không cần thiết bởi anh Quỳnh không chứng kiến việc Sơn chuẩn bị tiền đưa cho Dũng”
Sau khi hội ý, HĐXX xét thấy Luật sư Triển đã cung cấp lời khai của ông Goh và tài liệu này sẽ được Tòa sẽ xem xét xem có liên quan đến Cy Ap và Cty Nga như thế nào, sau đó sẽ quyết định. Chủ tọa phiên tòa cũng cho biết, nếu các luật sư khác cần tài liệu này thì Tòa sẽ cho phôtô để cùng nghiên cứu.
Phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định cách ly đối với 3 bị cáo Huỳnh Hữu Đức, Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng- nguyên là các cán bộ Hải quan Khánh Hòa, những người có trách nhiệm trong việc cho phép nhập khẩu ụ nổi 83M.
Tòa chưa có chứng cứ gia đình nộp tiền khắc phục
Dương Chí Dũng đã được HĐXX thẩm vấn đầu tiên. Bị cáo này khẳng định vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Tức là kêu oan về tội “tham ô tài sản” và đề nghị “xem xét lại trách nhiệm trong vụ cố ý làm trái”.
Dương Chí Dũng khai, chủ trương đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam từ năm 2006, khi đó Dũng đang là Tổng GĐ TCty. Dự án triển khai sau khi HĐQT có văn bản báo cáo Bộ GTVT vì coi như báo cáo là được chấp nhận.
Văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng là “đồng ý về nguyên tắc”, Dũng cho rằng như thế là được triển khai. Tuy nhiên, văn bản này cũng nêu yêu cầu phải bổ sung dự án vào quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu biển. Về điểm này, Dương Chí Dũng nhận là sai, làm trái chỉ đạo Thủ tướng. Dũng cho biết Mai Văn Phúc cũng biết về văn bản này và cũng không đề cập việc triển khai là trái ý kiến Thủ tướng.
Về việc thành lập đoàn khảo sát ụ nổi 83M. Dũng cho biết, đây là một hạng mục của nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Khi nhà máy chưa được bổ sung vào quy hoạch mà đã tiến hành việc mua ụ nổi, Dương Chí Dũng xác nhận là không đúng quy trình. Lý do làm ngược quy trình là vì khi đó phía Nga rao bán ụ này. Khi đó, Vinashin đã mua về 2 ụ nhưng đều bị chìm đắm trong quá trình lai dắt về Việt Nam.
Theo lời khai của Dương Chí Dũng: bị cáo đề nghị mua ụ ở Na-uy vì còn mới nhưng không hiểu sao sau đó Tổng GĐ trình lên lại là ụ 83M. Có nhiều ụ nổi khác cũng được chào hàng thời điểm đó nhưng việc quyết định khảo sát ụ 83M, Dũng cũng khẳng định là do Mai Văn Phúc.
Cựu Chủ tịch Vinalines khai trước tòa ông không chỉ đạo về việc mua hay không mua ụ nổi với bất cứ ai. “Khi anh em về báo cáo kết quả khảo sát, biếu cả một chai rượu, bị cáo cũng không hỏi rõ hơn thông tin gì. Bị cáo chỉ biết, ụ này đáp ứng yêu cầu nâng đỡ tàu 50.000 tấn, mua ụ cũ thì đỡ tiền đi vay.” Dũng khai
Khi đưa được về, đúng thời điểm xảy ra vụ Vedan nên việc thẩm định đánh giá tác động môi trường bị đình lại 2 năm. Và thực tế, cho đến bây giờ, ụ vẫn chưa được sửa chữa, chỉ là khối sắt phế liệu khổng lồ vẫn không ngừng gây tốn kém, bán thanh lý cũng không được.
Bị cáo Dũng thề “có trời, đất, bị cáo không nhận 10 tỷ, không hề có khoản tiền nào ở khách sạn Victory. Chỉ có gói quà, chai rượu chúc tết- thế thôi. Bị cáo cũng không hề liên lạc, bàn thảo với ông Goh về việc mau ụ nổi, về việc chuyển 1,666 triệu USD”. Ngoài ra, bị cáo này cũng cho biết, nhiều lời khai tại CQĐT đã bị Điều tra viên ghi không đúng, không đầy đủ. Ví dụ như: rượu không nhận ở khách sạn Victory thì ĐTV ghi ở khách sạn này; Rượu đựng trong túi kéo thì ĐTV ghi là va li kéo…
Bị cáo 5h30 mới xuống sân bay thì cũng không thể về khách sạn thì làm sao nhận tiền do Sơn đưa lúc 6h được”- Dũng nói.
Về thông tin gia đình nộp tiền khắc phục 4,7 tỷ , bị cáo cho biết đó là do bị cáo thấy có trách nhiệm trong việc quản lý cấp dưới và để xảy ra sai sót trong vụ mua ụ nổi 83M. Việc khắc phục hậu quả này là “khắc phục chung”, không khắc phục cho riêng hành vi “tham ô” hay “cố ý làm trái”…
Tuy nhiên, HĐXX cho hay, chưa hề nhận được chứng từ khẳng định gia đình bị cáo thể hiện đã khắc phục 4,7 tỷ./.