Cả làng đấu tranh giữ cây cổ thụ
Theo các cụ cao niên ở làng Trà Thung, từ khi sinh ra đã thấy cây đa này án ngữ ở đầu làng và họ tin rằng cây đa này có tuổi thọ hơn 500 tuổi.
Qua bao thăng trầm, bom đạn, chiến tranh ác liệt, cây đa vẫn tồn tại, đâm chồi nảy lộc phát triển. Năm 2005, UBND xã Mỹ Châu được huyện Phù Mỹ cho quy hoạch khu dân cư, phân lô, đấu giá đất tại khu vực cây đa cổ thụ.
Cho rằng cây đa cổ thụ chiếm nhiều diện tích nên xã quyết định bứng tặng cho huyện để trồng vào khu tưởng niệm, lấy diện tích đất tại đây. Tuy nhiên, khi xã thuê người đến “tùng xẻo” thì người dân trong thôn Trà Thung đã đồng loạt đứng ra phản đối, không cho ai xâm phạm đến cổ thụ.
Dù bị người dân phản đối nhưng chính quyền địa phương vẫn kiên quyết bứng cây. Trong suốt một tuần liền, thôn Trà Thung như sôi sục, gần như toàn bộ người dân trong thôn đều nhất loạt đứng lên phản đối việc chính quyền xã bứng cây đa đi nơi khác.
Người thôn Trà Thung nhất quyết giữ "linh hồn" làng quê |
Cụ Võ Thị Xuân Hòa (83 tuổi, ở thôn Trà Thung), nhớ lại: “Lúc đó người dân phản đối ghê lắm nhưng chính quyền vẫn cương quyết bứng cây để lấy hai lô đất ở đây. Chúng tôi kiên quyết phản đối vì nếu bứng cây thì không thể nào bù đắp được giá trị tinh thần mà cây đa đã bám chắc gốc rễ vào tâm thức của dân làng”.
Khi nhắc đến chuyện đấu tranh để giữ lại cây đa, cụ Phạm Văn Ba (85 tuổi, ở thôn Trà Thung) kể: “Thời điểm chính quyền xã đến bứng cây tôi không có ở nhà mà vào TP.HCM thăm con.
Khi nghe tin cây đa đang bị chặt phá để bứng tặng huyện, tôi tức tốc đón xe về quê để phản đối. Về đến đầu làng thì tôi thấy hàng chục người thay nhau dùng cưa hạ hết phần ngọn cây đa, tôi ngăn cản nhưng không được. Ngay ngày hôm sau tôi liền họp bà con để làm việc với xã, rồi kiến nghị với huyện, tỉnh để giữ lại cho dân làng; họ mới chịu buông tha cho không bứng cây”.
"Linh hồn" người dân làng Châu Mỹ?
Mặc dù nhiều “cánh tay khổng lồ” đã bị đốn hạ, chỉ còn trơ gốc, cây đa vẫn đâm chồi nảy lộc, phát triển một cách phi thường. Hiện nay, cành lá đã bao phủ xanh tươi như một chiếc ô lớn che nắng che mưa cho một ngôi chợ mới được hình thành dưới gốc.
Nhiều người dân còn truyền tai nhau rằng, gần chục năm nay, năm nào cây đa cũng xanh tốt, chồi lá xum xuê thì y rằng năm đó, người dân làng làm ăn phát đạt, không bệnh tật đau ốm gì.
Trở lại thời điểm xã UBND Mỹ Châu quyết định dời cây đa, phải cất công thuê mướn người rất lâu mới có người dám đến hạ cây vì người trong vùng, trong huyện ai cũng không dám nhận làm dù giá rất cao.
Chỉ có người ở làng bên cạnh “cứng bóng vía” đứng ra kêu thêm thợ đến hạ cây. Sau lần ấy, những người này đều gặp vận đen, bệnh tật liên miên, thậm chí có người đã bỏ mạng.
Bà Hòa kể: “Khoảng nửa tháng sau lần đốn hạ cây nhưng không thành, hai trong số gần chục người đốn cây bị đau bệnh liên miên, đến bệnh viện chữa nhưng không hết. Một người khác trong một lần đi cưa cây ở rừng thì gặp tai nạn mất mạng”.
Được biết, từ bao đời nay tại cây đa linh thiêng này, ngoài Tết Nguyên đán, các lễ Tế xuân, Thanh minh dân làng đều làm lợn cúng bái, cầu mong cho dân lành, làm đâu được đó. Lễ nghi được tổ chức rất nghiêm trang, có trống, chiêng, cờ các loại. Đồng thời dưới gốc đa này còn diễn ra những trò chơi cổ truyền như: hô bài chòi, thi nấu cơm, đánh cờ người… như một nếp văn hóa của một vùng đất.
Như vậy có thể thấy rằng cây đa cổ thụ ở làng Trà Thung gần như là một hiện vật văn hóa, gắn bó mật thiết với lịch sử, đời sống tâm linh của dân làng. Những việc dân làng làm để bảo vệ sự tồn tại của cây đa là chính đáng, tuy nhiên có hay không chuyện một số người vì quá mê tín mà đồn thổi là “đa thiêng”?
Ông Đặng Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu, xác nhận sự việc này: “Đúng là vào năm 2005 có xảy ra sự việc UBND xã quy hoạch đất rồi thuê người chặt cây nhưng về sau thì không bứng cây nữa. Việc người dân cho rằng hễ năm nào cây đa xanh tốt, cành lá xum xuê thì người dân nơi đây làm ăn phát đạt thì chỉ là lời đồn trong dân gian chứ không ai kiểm chứng. Câu chuyện cho rằng những người chặt cây “bị báo oán” cũng là sai sự thật. Họ chỉ gặp những tai nạn thông thường khi lao động, chứ không có “ma tà báo oán” gì hết”.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định, cho biết: “Người xưa quan niệm “cây đề có ma, cây đa có thần”, cái thần ở đây có thể hiểu là thiêng liêng và là biểu tượng tinh thần cộng đồng Việt.
Đã trải qua nhiều biến cố lịch sử, trên các làng quê Bình Định, hình ảnh mái đình, gốc đa vẫn còn tồn tại, thiết nghĩ đó là niềm tự hào của mỗi làng quê cần phải bảo tồn gìn giữ. Tuy nhiên cũng không nên bảo vệ “quá đà”, tung tin chưa được kiểm chứng, tránh gây hoang mang dư luận”./.