Đường có thực sự đang khan hiếm?

(PLO) - Năm nay, trong khi nhu cầu tiêu dùng cũng như giá đường đã  tăng rất cao,  nhưng thị trường vẫn đang có hiện tượng “găm hàng” tại một số doanh nghiệp kinh doanh thương mại.
Một số doanh nghiệp cho rằng họ đang khó tiếp cận với  sản phẩm đường, vì sao? (Ảnh minh họa)
Một số doanh nghiệp cho rằng họ đang khó tiếp cận với sản phẩm đường, vì sao? (Ảnh minh họa)

Tổng cung giảm 

Bộ Công Thương cho biết, gần như cùng một khoảng thời gian, cơ quan này đã nhận được phản ánh từ nhiều phía liên quan tới câu chuyện cung  -  cầu cho thị trường đường năm nay. 

Nếu như doanh nghiệp sử dụng đường làm nguyên liệu kêu ca khó khăn trong việc mua hàng do giá cả liên tục tăng cao và không mua được đường với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu sản xuất, thì các công ty thương mại lại phàn nàn đang gặp khó khăn trong việc mua đường để cung ứng cho thị trường tiêu dùng do giá cả liên tục tăng cao, số lượng hạn chế... do nhà máy đường bán ra với số lượng cầm chừng và chỉ bán cho khách hàng quen thuộc. 

Trong khi đó phản ánh của nhà máy đường đảm nhận vai trò cung ứng đường cho thị trường lại cho thấy họ đang thiếu nguyên liệu mía để sản xuất do ảnh hưởng của hạn hán. 

Được biết, các doanh nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm, công ty thương mại và nhà máy sản xuất chế biến đường đều có văn bảnđề nghị Bộ Công Thương sớm xem xét cấp hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường (HNTQ) năm 2016 để phục vụ sản xuất và cung ứng cho thị trường. 

Trước tình hình này, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã phối hợp tổ chức Đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra tình hình sử dụng đường tại một số doanh nghiệp chế biến sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và tình hình sản xuất, tồn kho tại một số nhà máy sản xuất, tinh luyện đường.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), căn cứ kết quả làm việc tại các nhà máy sản xuất đường, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng đường để chế biến sản phẩm cung như cân đối cung - cầu đường năm 2016 của Bộ NN&PTNT cho thấy: Năm nay, dự kiến tổng nguồn cung giảm khoảng 200 ngàn tấn do sản lượng mía giảm khoảng 10% vì khô hạn và nông dân chuyển đổi loại hình cây trồng khác, trong khi nhu cầu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng tăng khoảng 100 ngàn tấn.

Phải nhập 100 ngàn tấn

Từ đầu năm 2016,  giá đường liên tục tăng cao , đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán đến tháng 4, tổng mức tăng khoảng 10 - 15% so với đầu vụ và tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 5, giá đường vẫn tiếp tục xu hướng tăng.

Trong tháng này, giá bán buôn đường kính trắng và đường tinh luyện tiếp tục tăng mạnh, đường kính trắng giá tăng nhiều nhất ở miền Trung: 1.400 đ/kg, TP.HCM tăng 1.000 – 1.200 đ/kg và miền Bắc tăng 500 – 1.000 đ/kg; đối với đường tinh luyện TP. HCM có mức tăng nhiều nhất khoảng 1.200 đ/kg, miền Bắc khoảng 700 đ/kg. 

Được biết, không chỉ đường nguyên liệu bán cho các doanh nghiệp sản xuất tăng giá, theo báo cáo của một số địa phương, giá đường bán lẻ bắt đầu tăng, một số địa phương như Cần Thơ giá đường bán lẻ dao động ở mức 22.000 đ/kg, một số siêu thị ở Hà Nội, TP HCM giá bán là 21.000 đ/kg, còn một số địa phương khác giá dao động quanh mức 18.000-21.000 đ/kg. 

Trao đổi với PLVN, đại diện Cục Xuất nhập khẩu(Bộ Công thương)  cho hay, các doanh nghiệp sử dụng đường để sản xuất đúng là đang gặp khó khăn trong việc mua đường với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu cho sản xuất. 

“Thậm chí, một số doanh nghiệp đã bị hủy hợp đồng ký từ đầu năm do các công ty thương mại không giao đường với lý do không lấy được đường từ nhà máy đường. Qua phản ánh của các công ty sử dụng đường và các nhà máy sản xuất đường là có hiện tượng “găm hàng” tại một số doanh nghiệp thương mại kinh doanh đường.”- đại diện Cục này nói. 

Theo Bộ Công thương, trước diễn biến tình hình sản xuất và tiêu thụ đường năm 2016, Bộ này đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành đốc thúc khẩn trương triển khai thực hiện đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85 ngàn tấn đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bổ sung nguồn cung cho thị trường; chỉ đạo tạm dừng việc xuất khẩu đường qua cửa khẩu phụ, lối mở. 

Ngoài ra, để bình ổn thị trường đường đảm bảo nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất và đảm bảo đường phục vụ cho tiêu dùng, Lãnh đạo 2 Bộ: Công Thương và Nông nghiệp đã tổ chức cuộc họp bàn và thống nhất nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất  các biện pháp trong đó có nội dung nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan nhằm ổn định thị trường đường và phù hợp với tình hình sản xuất mía đường trong nước. 

“Tại Phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý trước mắt cho phép nhập khẩu 100.000 tấn đường để góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước”- Cục Xuất nhập khẩu khẳng định. 

Trước đó, phản ánh của PLVN cho thấy, đến đầu tháng 4/2016, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường vẫn còn hơn 300 ngàn tấn và tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là hơn 25 ngàn tấn. Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, Bộ NN&PTNT nói rằng: để đảm bảo ngành đường trong nước hoạt động bình thường đề xuất nhập khẩu 200 ngàn tấn đường cần phải được tính toán kỹ vì để biến động là không hay.

Đọc thêm