Đường đời huyền thoại của Lãnh tụ Fidel Castro

(PLO) -Fidel Castro là người đã lãnh đạo cuộc Cách mạng Cuba thành công vào năm 1959, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho hàng triệu người dân ở đảo quốc này.
Lãnh tụ Cuba Fidel Castro.

Lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz sinh ngày 13/8/1926 tại vùng Biran, tỉnh Oriente cũ, nay là tỉnh Holguín ở miền Đông Cuba. Cha của ông là chủ một cánh đồng mía khá lớn ở nơi địa phương. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được các thầy cô quý mến vì học giỏi và cũng tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao.

Vị luật sư giàu tình thương

Tốt nghiệp trung học vào cuối năm 1945, ông Castro theo học chuyên ngành luật của trường Đại học La Habana và bắt đầu thấm nhuần chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Năm 1947, ông tới Cộng hòa Dominica để tham gia nỗ lực đảo chính nhằm lật đổ nhà độc tài ở nước này Rafael Trujillo.

Dù cuộc đảo chính thất bại nhưng nó vẫn không khiến mong muốn thực hiện những cải cách sâu rộng trong xã hội của ông suy giảm. Một năm sau đó, ông lại tới Bogotá, Colombia và tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ ở đây.

Cũng trong năm 1947, ông Castro gia nhập Partido Ortodoxo - đảng chính trị được thành lập với mục tiêu cải cách chính phủ Cuba do ứng viên tổng thống Eduardo Chibás thành lập. Đến năm 1950, sau khi nhận bằng luật, ông mở văn phòng luật sư và thường nhận bào chữa cho những người dân nghèo với mong muốn giành lại được công bằng cho họ. 

2 năm sau khi ra trường, ông Castro tranh cử vào Hạ viện Cuba. Nhưng, cuộc bầu cử lẽ ra diễn ra vào tháng 6 năm đó đã không được tổ chức vì vào tháng 3 cùng năm, Tướng Batista đã tiến hành đảo chính, giành quyền kiểm soát chính phủ và ngay lập tức hủy bỏ việc bầu cử.

Sau nhiều nỗ lực pháp lý để phản đối việc Tướng Batista nắm quyền không thành, ông Castro nhận ra rằng đấu tranh vũ trang là câu trả lời duy nhất. “Từ khoảnh khắc đó, tôi đã nhận thấy rõ những khó khăn mà tôi sẽ phải đối mặt ở phía trước” – ông từng kể lại.

Cuộc cách mạng bắt đầu

Ngày 26/7/1953, ông Castro đã dẫn đầu một nhóm gồm 160 người có chung chí hướng thực hiện vụ tấn công vào căn cứ quân sự Moncada ở Santiago de Cuba, nổ phát súng đầu tiên trong cuộc cách mạng ở Cuba.

Tuy nhiên, cuộc tấn công đã thất bại. Hầu hết những người tham gia đã bị giết hại còn ông Fidel và người em trai Raul bị bắt giữ. Tại phiên tòa diễn ra vào ngày 16/10 cùng năm, Fidel đã tự bào chữa cho bản thân và có bài phát biểu kéo dài 4 tiếng, trong đó ông khẳng khái tuyên bố:

“Lịch sử sẽ xóa tội cho tôi”. Dù vậy nhưng ông vẫn bị chính quyền quân sự kết án 15 năm tù giam vì việc dàn xếp vụ tấn công.

Ngồi tù được 2 năm, ông Fidel và những người bạn cùng chiến đấu được thả ra do Batista muốn cải thiện hình ảnh độc tài của ông ta. Được tự do, ông Castro đã tới Mexico. Tại đây, ông gặp một nhóm người Cuba sống lưu vong, trong đó có ông Ernesto “Che” Guevara và thành lập nhóm có tên Phong trào 26/7.

Ngày 2/12/1956, 81 thành viên của nhóm đã lên con tàu “Granma” về Cuba để một lần nữa tìm cách lật đổ chính quyền của nhà độc tài Batista. Song, con tàu đã bị lực lượng chính phủ phục kích ngay khi cập bờ biển phía Đông Cuba.

Chỉ 18 người trong số 81 người trên thuyền sống sót, trong đó có ông Castro, em trai của ông Raúl và Guevara. Những người này đã phải trốn sâu vào dãy núi Maestra ở phía đông nam Cuba để ẩn nấp. 

Trong suốt 3 năm sau đó, lực lượng cách mạng Cuba non trẻ dần thu hút được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Cuba và không ngừng lớn mạnh. Họ liên tục tiến hành những cuộc chiến tranh du kích chống lại quân đội chuyên nghiệp của chính quyền bao gồm 30.000 người và được sự hậu thuẫn vũ khí của Mỹ. Quân số và thanh thế của lực lượng cách mạng ngày càng tăng ngược lại với sự suy sụp của quân đội của Batista.

Cuối cùng, ngày 1/1/1959, nhìn thấy rõ nguy cơ bị đánh bại đã tới gần, Batista đã bỏ trốn ra nước ngoài. Một tuần sau đó, ông Castro dẫn đầu lực lượng cách mạng tiến vào thủ đô La Habana, chính thức đặt dấu chấm hết cho chính phủ độc tài Batista, đánh dấu sự thắng lợi của cách mạng Cuba.

Những năm đầu sau cách mạng

Sau khi lãnh đạo của cách mạng thành công, năm 1959, ông Castro được bầu làm Thủ tướng nước Cộng hòa Cuba và giữ cương vị này đến năm 1976. Năm 1960, ông tiến hành quốc hữu hóa các cơ sở kinh doanh của Mỹ, trong đó có các nhà máy lọc dầu, công xưởng sản xuất và sòng bạc. Điều này đã dẫn đến việc chính phủ Mỹ quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba và áp đặt lệnh cấm vận thương mại với nước này.

Cùng lúc, tháng 4/1961, khoảng 1.400 người Cuba sống lưu vong ở nước ngoài và được CIA tài trợ đã đến gần Vịnh Con lợn với ý đồ lật đổ ông Castro. Âm mưu này đã thất bại một phần vì những phần tử đánh bom đầu tiên đã không tấn công trúng mục tiêu mà chúng đề ra, khiến cho đợt không kích thứ 2 đã bị hủy bỏ. 

Tiếp sau đó, đến tháng 10/1962, Mỹ phát hiện tên lửa hạt nhân đã được triển khai ở Cuba, cách bang Florida chỉ hơn 100km, khiến cho không khí thời kỳ Chiến tranh Lạnh trở nên căng thẳng hơn, thậm chí có những ý kiến lo ngại về khả năng bùng phát Chiến tranh thế giới III. Tuy nhiên, sau 13 ngày căng thẳng, lãnh đạo Xô viết cuối cùng cũng đã quyết định rút tên lửa khỏi Cuba để đổi lập việc Mỹ đưa vũ khí hạt nhân của nước này khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Bản thân nhà lãnh đạo của Cuba đã trở thành mục tiêu của hàng trăm âm mưu ám sát – mà theo người phụ trách cơ quan tình báo và là người chịu trách nhiệm bảo vệ ông là hơn 600 vụ - mà giới chức Mỹ đã dày công nghiên cứu, tiến hành. 

Trên trường quốc tế, từ những năm 1960 đến 1980, ông Castro cũng tích cực đóng góp cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, chống đế quốc cường quyền, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.

Lãnh tụ huyền thoại của Cuba

Sau khi lên nắm quyền, là một người luôn giương cao ngọn cờ công bằng xã hội, ông Castro đã ngay lập tức hủy bỏ các quy định phân biệt đối xử, đảm bảo người dân được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ.

Cũng nhờ việc kiên quyết trấn áp nạn buôn bán ma túy, đánh bạc và mại dâm do ông khởi xướng mà Cuba cho đến nay trở thành một trong những nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất tại khu vực châu Mỹ.

Ông cũng đẩy mạnh đưa điện về nông thôn, tạo việc làm cho người dân và đặc biệt tích cực thúc đẩy chăm sóc sức khỏe và giáo dục con người thông qua việc mở thêm nhiều trường học và cơ sở y tế, khuyến khích giáo viên về nông thôn, tăng cường đào tạo bác sỹ...

Tỉ lệ trẻ tử vong và người mù chữ ở Cuba vì thế đã giảm mạnh qua từng năm, và cho đến nay vẫn ở trong nhóm những nước có tỉ lệ thấp nhất thế giới. Hệ thống giáo dục và y tế miễn phí phổ quát cho người dân do ông khởi xướng và hiện vẫn được thực hiện ở Cuba được đánh giá là ưu việt hơn hẳn so với thế giới, là điều duy nhất chỉ có ở nước này và cũng là một trong những di sản lớn của vị Lãnh tụ huyền thoại này.

Từ năm 1965 - khi Đảng Cộng sản Cuba chính thức được thành lập - đến tháng 4/2011, ông Castro liên tục được bầu làm Bí thư Đảng Cộng sản Cuba và từ năm 1976 đến năm 2008 được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba.

Ngày 31/7/2006, vì lý do sức khỏe, ông đã trao quyền lãnh đạo đất nước cho ông Raúl Castro. Từ năm 2008, ông tuyên bố không ứng cử vào Quốc hội và giữ các vai trò lãnh đạo nhà nước Cuba. Đến năm 2011, ông thôi giữ chức Bí thư Đảng Cộng sản Cuba.

Dù sức khỏe của ông Castro đã yếu đi và sự ra đi của ông là điều không thể tránh khỏi nhưng việc ông qua đời hôm 25/11 vẫn khiến hàng triệu người dân Cuba và trên thế giới thổn thức. “Tôi cảm thấy tim mình đau nhói.

Mấy chục năm trước, chúng tôi phải sống trong cảnh vô cùng tồi tệ. Sau đó ông Fidel xuất hiện và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Ông ấy là người đã cho tôi cuộc sống của một con người” - một cựu binh Cuba tên Rafael Urbay nói.

Nhân viên an ninh tên Mario Astoria cũng xúc động không kém trước sự ra đi của người đàn ông mà theo ông đã đưa Cuba từ “một hòn sỏi giữa đại dương” trở thành một đất nước mà cả thế giới đều biết đến…