Đúng khoảng thời gian này 19 năm trước (11/8/1999 - 11/8/2018), Ban quản lý dự án (PMU) đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) được thành lập để thực hiện nhiệm vụ quan trọng: làm đại diện chủ đầu tư thực hiện công trình đường Hồ Chí Minh, xuyên từ cực Bắc đến cực Nam Tổ quốc, theo trục hiểm trở phía Tây đất nước.
Ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh cho biết, từ những ngày đầu khởi công, dự án đã như một “cuộc đua tổng lực”, với sự tham gia của các đơn vị khảo sát thiết kế, thi công chuyên nghiệp của các Bộ GTVT, Quốc phòng, Xây dựng, lực lượng thanh niên xung phong và các đơn vị mạnh của các địa phương nơi tuyến đường đi qua.
Dự án là một thử thách rất lớn của ngành GTVT với những nguy cơ tiềm ẩn. Con đường chạy qua những khu vực có địa hình hiểm trở núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp cùng hàng nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Để khởi công được vào năm 2000, các kỹ sư, chiến sĩ đã dầm mưa, dãi nắng để khảo sát địa hình, vạch tuyến cũng như tiến hành rà soát, xử lý bom mìn. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết khắc nghiệt cũng tạo ra những thách thức đòi hỏi nghị lực rất lớn của con người.
Đại diện chủ đầu tư - PMU đường Hồ Chí Minh kiểm tra dự án thi công đoạn qua Chợ Mới - Chợ Chu |
Sau 19 năm, đến nay, đường Hồ Chí Minh đã tiến tới gần cuối giai đoạn 2, đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 2.180km/2.744 km và khoảng 258km tuyến nhánh, trong đó điểm đáng chú ý nhất là đoạn đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Cụ thể, chỉ sau một thời gian ngắn chuẩn bị và sau 1,5 năm triển khai thi công (từ cuối năm 2013 đến tháng 6/2015), toàn bộ 419km đi qua 5 tỉnh Gia lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước đã hoàn thành, vượt tiến độ hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội.
Dự án được đánh giá không chỉ đáp ứng các mục tiêu xây dựng và phát huy ngay hiệu quả đầu tư khi đóng vai trò là “xương sống” thứ 2 của đất nước, hỗ trợ giảm tải cho QL1, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới phía Tây Tổ quốc mà còn tạo điều kiện thu hút đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và du lịch cho các địa phương phía Tây đất nước, những vùng đất vốn hoang sơ, nghèo khó.
Được biết, theo các Nghị Quyết của Quốc Hội, đường Hồ Chí Minh sẽ được nối thông toàn tuyến tối thiểu 2 làn xe vào năm 2020, sau năm 2020 sẽ nghiên cứu đầu tư nâng cấp 1 số đoạn thành đường cao tốc.
Hiện nay, Bộ GTVT, PMU đường Hồ Chí Minh đang nỗ lực để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu mà nói trên.
Với sự nỗ lực của hàng trăm, ngàn con người suốt gần 2 thập kỷ qua, công trình đường Hồ Chí Minh vừa được vinh danh trở thành 1 trong 8 công trình được bình chọn trong chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn những công trình” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức.
Đại diện chủ đầu tư - PMU đường Hồ Chí Minh coi đây là nguồn động lực để tiếp tục với những “cuộc đua tổng lực” mới, nhằm nối thông con đường mang tầm vóc thể kỷ.