Đường hoàn lương của kẻ cướp đào hoa

(PLO) - Hai lần đi tù, 7 năm trốn truy nã, giờ ông Mỹ là "khắc tinh" của tội phạm tại Đà Nẵng, giúp công an phá hàng trăm vụ án.
Ngồi thu mình trong quán cà phê mặc cho nắng hắt vào khuôn mặt sạm đen và mái tóc màu muối tiêu, ông Mai Xuân Mỹ, Đội trưởng dân phòng phường Thuận Phước, quận Hải Châu (Đà Nẵng) trầm ngâm nuối tiếc tuổi thanh xuân khi tham gia băng nhóm giang hồ.
Từ nhỏ, Mỹ sớm lang thang theo đám "anh chị" ở Đà Nẵng đi cướp giật. 17 tuổi, anh đu tàu vào Sài Gòn ôm mộng làm giàu. Tàu đến ga Bình Thuận, Mỹ ngồi co ro trên nóc vì đói thì gặp nhóm thanh niên. Ăn hết mẩu bánh mỳ do chúng đưa, Mỹ nhập hội. "Nhiệm vụ" đầu tiên, Mỹ được giao cầm bao tải với lời dặn nhớ theo sát, xong việc sẽ có tiền.
Đêm hôm đó cả hội hơn chục người lẻn lên chuyến tàu đang chuyển bánh, dí dao và súng vào hành khách ăn cướp. Công việc của Mỹ là bỏ tiền vào bao.
Thấy kiếm tiền dễ, Mỹ bỏ luôn ý nghĩ vào Nam lập nghiệp. Trong vai người bán bánh mỳ, giấu hung khí trong thúng, nhóm của Mỹ là nỗi khiếp sợ với khách đi tàu qua ga Đà Nẵng vào những năm 1980. Khi băng cướp bị triệt phá, Mỹ lĩnh án 5 năm tại trại giam Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Mãn hạn tù, đầu năm 1985 Mỹ về Đà Nẵng làm nghề thợ nề. Trong lần theo chủ công trình ra Hà Nội làm việc, Mỹ gặp cô gái gốc Thái Nguyên và nên duyên vợ chồng. Tết năm 1990, đưa vợ con về Đà Nẵng ra mắt họ hàng, cuộc đời của Mỹ tưởng như bước sang trang mới. Trong lúc cùng đám bạn đánh bài đầu năm, Mỹ xô xát với một người hàng xóm. Không chịu nhịn, Mỹ cùng em cầm dao rượt đuổi, chém chết anh này.
Người em bị công an bắt, Mỹ bị thương nên được đưa vào bệnh viện. Nhân lúc bác sĩ và công an canh gác sơ hở, Mỹ trốn thoát qua cửa sổ. 7 năm trốn truy nã, Mỹ lang thang ở đất Bắc mưu sinh bằng nghề thợ xây. Mỹ sống với một phụ nữ ở Hải Phòng và có 2 con. Cuộc sống khó khăn, Mỹ quay lại cuộc sống giang hồ, "kiếm ăn" ở Kỳ Lừa (Lạng Sơn).
Ông Mỹ làm việc với công an phường Thuận Phước
 Ông Mỹ làm việc với công an phường Thuận Phước
Mỹ chiêu mộ dưới chướng hàng chục đàn em, được giới giang hồ biết đến với biệt danh Mỹ "Đen". Không bao lâu sau, đại ca gốc Đà thành này bị dân anh chị vùng biên "ghét" vì tranh chấp địa bàn làm ăn. Sau trận huyết chiến giữa đêm, Mỹ bị truy sát buộc phải tháo chạy về Quảng Ninh.
Gặp người đồng hương đang là giám đốc một công ty xây dựng, qua vài câu chào hỏi Mỹ đã bị "đọc vị" là kẻ giết người đang bị truy nã. "Anh ấy ở gần nhà tôi nên không cách nào chối tội được. Anh ấy khuyên tôi ra đầu thú, hứa nếu cải tạo tốt và sớm ra tù sẽ được nhận vào làm ở công ty", Mỹ nhớ lại.
Do là đồng phạm với em ruột, Mỹ bị TAND Đà Nẵng phạt 4 năm 6 tháng tù giam. Trả xong án tại trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế), Mỹ trở về Đà Nẵng. Với lý lịch nhiều "tì vết", Mỹ chẳng kiếm được công việc tử tế, ở tuổi tứ tuần, anh ta ra cảng cá làm nghề bốc vác. Với số đào hoa, Mỹ có thêm người đàn bà thứ ba. "Tôi vẫn thường xuyên liên lạc với hai vợ trước. Họ là những người tuyệt vời của đức hy sinh, chỉ tiếc là giờ tôi chưa có gì giúp được các con", Mỹ nói.
Yên bề gia thất cùng người vợ đảm đang và hai con gái, năm 2000 Mỹ "Đen” trả nợ đời bằng việc tham gia lực lượng dân phòng. Với kinh nghiệm giang hồ, Mỹ nhập vai từ người bán vé số, lượm ve chai… để giúp công an phá hàng trăm vụ án.
Về với cuộc sống đời thường, ông Mỹ phụ vợ bán hàng kiếm sống qua ngày
 Về với cuộc sống đời thường, ông Mỹ phụ vợ
bán hàng kiếm sống qua ngày
Năm 2003, khi đang đóng vai người chở xe thồ ở bến xe Đà Nẵng để mật phục tội phạm, Mỹ tình cờ gặp người từng ở cùng trại giam Bình Điền mang theo một bao tải lớn linh kiện máy vi tính. Nhận ra người quen, ông Mỹ được bạn nhờ chở đến tiệm bán. Trong câu chuyện lúc dọc đường, Mỹ biết bạn mình vừa trộm được số hàng này và chuyến vào Đà Nẵng lần này có thêm việc thu tiền bán chiếc xe máy ăn trộm trước đó.
Ông Mỹ kể hôm đó suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện của bạn.  "Bắt" thì mất tình nghĩa bao năm cùng cảnh, còn không thì lại tiếp tay cho tội phạm. Và nửa đêm ông ra khỏi nhà đến báo công an, bởi nghĩ "chỉ có như vậy mới giúp bạn dừng lại tội lỗi".
Gặp nhóm trẻ vị thành niên trộm cắp, ông Mỹ khuyên nhủ bằng chính "lý lịch" của mình. "Nhiều lần tôi cũng phải bạt tai những đứa ương bướng, hy vọng một cái đánh đau sẽ giúp các em sớm tỉnh ngộ quay về với nẻo thiện", Trưởng đội dân phòng Thuận Phước nói.
Thiếu tá Ngô Văn Quảng, Trưởng công an phường Thuận Phước, cho biết ông  Mỹ là tấm gương sáng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn; đặc biệt từ khi làm đội trưởng dân phòng. "Đóng góp và quyết tâm hoàn lương của một người từng vào tù ra tội này rất đáng trân trọng", ông Quảng nói.

Đọc thêm