Nuối tiếc tương lai sau cánh cổng trại giam

(PLO) - Họ là những phạm nhân, mà khi vào tù, 1 tương lai tươi sáng đang ở rất gần. Nhưng rồi, cánh cổng oan nghiệt của trại giam đã đóng sầm lại những ngày mai tương sáng vì những phút nông nổi, lầm lỡ.
Nuối tiếc tương lai sau cánh cổng trại giam
Họ là những phạm nhân, mà khi vào tù, 1 tương lai tươi sáng đang ở rất gần. Nhưng rồi, cánh cổng oan nghiệt của trại giam đã đóng sầm lại những ngày mai tương sáng vì những phút nông nổi, lầm lỡ.
“Nghệ sỹ hụt” trong trại giam
 Trương Kim Thành (SN 1990) là người có máu nghệ sỹ nhất trong trại giam Xuân Hà (Tổng cục VIII –Bộ Công An) bởi hầu như tất cả những buổi liên hoan văn nghệ trong trại sẽ nhạt lắm nếu không có ngón đàn organ của phạm nhân này. Thi thoảng, anh em đồng cảnh lại thấy Thành lúi húi với những viên sỏi, viên gạch vẽ nên những hình nốt nhạc trên nền xi măng của trại. Nhìn Thành vẽ, chẳng ai hiểu Thành đang vẽ gì. Nhưng nghe tiếng đàn, tiếng hát của Thành cũng đủ để tin Thành có máu nghệ sỹ thật.
"Nghệ sỹ hụt" Trương Kim Thành
 "Nghệ sỹ hụt" Trương Kim Thành
Chuyện của Thành cũng thật buồn. Sinh ra trong 1 gia đình bố mẹ là cán bộ ở Đô Lương (Nghệ An), đời sống vật chất của Thành được gọi là đủ đầy. Rồi thấy bạn bè đi đến nhà văn hóa để học 1 số môn phát triển năng khiếu, Thành cũng xin bố mẹ đăng ký cho học. Bọn con trai cùng tuổi đứa học võ, đứa đá bóng, cầu lông, nhưng Thành thì bị hớp hồn bởi cây đàn piano cũ kỹ nằm ở 1 góc nhà văn hóa. Thế là, từ những nốt đồ, rê, mi…ban đầu, Thành càng học càng say mê. Từng ước mơ con mình sau này thành kỹ sư, bác sỹ, nhưng rồi cuối cùng, cây đàn piano mới tinh được bố Thành mang về cũng là sự chiều lòng cho ước mơ âm nhạc của cậu con trai độc nhất. 
 Quen với cây đàn, là hạt nhân của hầu hết các tiết mục văn nghệ từ trường cho đến huyện, Thành được hết thảy bại bè, thầy cô yêu mến. Thầy cô dạy nhạc ở xã, huyện cuối cùng cũng lắc đầu vì không “đủ chữ” mà dạy Thành. Thế là Thành lên tỉnh, ra Thủ đô tìm thầy nâng cao trình độ âm nhạc của mình. Học hết 12, Thành nộp đơn xin vào 1 trường đại học nghệ thuật có tiếng trong nước. Cái ngày Thành nhận được tin mình đỗ đại học chỉ đến sau cái chuyện bà con chòm xóm xôn xao: “Thằng Thành nhìn hiền như thế mà bị bắt vì buôn ma túy” ập đến có vài ngày. Xóm giềng bán tín bán nghi, bố mẹ Thành gần như suy sụp khi công an đến khám nhà và còng tay đứa con trai độc nhất đưa đi tạm giam.
Sau này, mọi chuyện cũng đã sáng tỏ. Trước đó, dù biết bạn thành là 1 con nghiện có “số má” nhưng vì đã thân với nhau từ nhỏ nên cũng không nỡ lảng tránh. Cả 2 vẫn là bạn thân. Bạn Thành vẫn nghiện, còn Thành vẫn yên tâm: “Chỉ cần không nghiện theo nó là được”. 18/8/2010, bạn Thành lên Quế Châu (Nghệ An) mua “thuốc” và rủ Thành theo…cho vui. Kết quả, trên đường về, công an phát hiện ra 18gram ma túy có trong túi xách Thành mang theo. Bản án 9 năm tù dành cho Thành và cả tương lai, về ước mơ trở thành nhạc sỹ piano đã bỏ lại đằng sau cánh cửa trại giam.
Tấm bằng Đại học chỉ còn cách bước chân 
Với phạm nhân Nguyễn Đức Tuấn (SN 1989, Con Cuông, Nghệ An), có lẽ nếu 1 phút trong người Tuấn kiềm chế được, thì bây giờ, cuộc đời của Tuấn đã rẽ sang 1 trang khác, tốt đẹp, hạnh phúc hơn nhiều.
Ngày Tuấn vào trại, một buổi sáng mua đông lạnh lẽo cuối năm 2012, chỉ có bố mẹ Tuấn đưa tiễn, rồi ngậm ngùi tiếc nuối khi cánh cổng sắt trại giam đóng chặt. Đằng sau cánh cổng kia là con trai họ, chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là bảo vệ khóa luận để trở thành cử nhân Đại học Nông Nghiệp. Bây giờ, đứa con đấy đã trở thành kẻ có tội, bị mọi người xa lánh bởi 1 nhát dao oan nghiệt trong lúc giận giữ, chàng sinh viên năm cuối có vẻ mặt hiền lành đã xuống tay khiến người khác cả đời tàn phế.
Vì 1 phút nóng giận, Tuấn đã phải trả giá bằng cả tương lai
Vì 1 phút nóng giận, Tuấn đã phải trả giá bằng cả tương lai 
Nhớ lại chuyện cũ, Tuấn chua xót: “Đời em, sau bản án 7,5 năm này, nếu có cơ hội làm lại thì cũng chẳng biết làm từ đâu. Bằng đại học đã gần lắm, 1 công việc ổn định mà có người đã hứa hẹn giờ cũng đã tan biến. Mà quan trọng nhất, những ám ảnh tội lỗi dường như chẳng bao giờ buông tha đầu óc em”.
Tuấn kể, ngày Tuấn gây ra tội, chẳng bao giờ Tuấn quên. Cái ngày định mệnh đó xảy ra vào ngày 21/6/2011, Tuấn đang bù đầu bù tai với khóa luận tốt nghiệp thì 1 người bạn đồng hương tìm đến phòng trọ, nhờ chỉ chỗ rồi cả 2 cùng ra hiệu cầm đồ “cắm” chiếc xe máy anh ta đang đi. Thấy việc cũng chẳng có gì khó khăn, mình cũng chẳng mất mát gì, Tuấn đã chấp nhận đi cùng.
Đến nơi, khi việc ngã giá cầm cố đang diễn ra, đầu óc Tuấn vẫn đang vẩn vơ với khóa luận tốt nghiệp. Bỗng nhiên, chủ cửa tiệm cầm đồ cùng bạn xông vào đánh bạn của Tuấn ngã xuống ghế. Tuấn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì thì bị túm cổ áo dí mạnh xuống bàn cùng với đó là những cú đấm vào mặt, vào lưng như trời giáng. Rồi cả Tuấn và bạn bị ném ra ngoài cửa.
Tức giận, Tuấn và bạn đã gọi điện cho các “đồng hương” thuộc diện có “máu mặt” ở xung quanh vùng, chuẩn bị giáo mác và mã tấu đến cửa hiệu cầm đồ kia để “thị uy” và báo thù. Thế rồi, 1 lần nữa 2 bên xảy ra ẩu đả và trong lúc tức giận và không kiềm chế được bản thân, Tuấn đã vung dao chém mạnh vào cánh tay của đối phương khiến người này bị tàn phế suốt đời, còn Tuấn phải chịu sự trừng phạt của pháp luật cho hành vi nông nổi với bản án 7,5 năm tù.

Đời lầm lỡ của Học sinh giỏi quốc gia

Cho đến khi nghe chính miệng cán bộ quản giáo trại giam Xuân Hà nói, tôi mới thực sự tin Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1989, Đức Trọng, Lâm Đồng) đã từng là Học sinh giỏi Quốc gia môn Tin học. Nghĩa có khuôn mặt búng ra sữa nhưng rất sáng sủa cùng đôi  mắt tinh anh nhưng luôn nhìn lấm la lấm lét. Hỏi chuyện Nghĩa, Nghĩa ngập ngừng, với giọng kể đứt quãng, dường như nửa muốn tâm sự, nửa không, nhưng nhìn mắt Nghĩa có thể thấy trong đó là nhiều, thật nhiều sự tiếc nuối, ân hận.
Vì lòng tham, Nguyễn Đức Nghĩa đã đánh mất tương lai xán lạn trước mắt.
 Vì lòng tham, Nguyễn Đức Nghĩa đã đánh mất tương lai xán lạn trước
mắt.
Nghĩa vốn là học sinh thông minh đặc biệt. Hồi học cấp 2, Nghĩa làm quen với chiếc máy vi tính, để rồi “yêu” luôn, và bỏ ăn bỏ uống để mày mò. Và rồi, những năm tháng dài đằng đẵng với đôi mắt lồi to vì màn hình máy tính đã mang đến cho Nghĩa danh hiệu Giải nhì kỳ thi “Học sinh giỏi Quốc gia” môn Tin học. Đời Nghĩa sang trang mới. Nghĩa được tuyển thẳng vào 1 trường đại học lớn ở Hà Nội. Hơn nữa, bảng thành tích học tập quá ấn tượng và những phầm mềm Nghĩa tự viết là quá đủ cho 1 công ty tin học lớn trong nước tài trợ Nghĩa tiền ăn ở cùng với khoản học bổng 5 triệu đồng/tháng.
Từ đó, Nghĩa bắt đầu với cuộc sống chốn Hà thành. Nó khác xa với miền quê Lâm Đồng vốn yên tĩnh của Nghĩa. Nghĩa biết thế nào là quán karaoke, là bar, là sản nhảy. Những thứ đó đã lôi cuốn nghĩa, khiến nghĩa say như điếu đổ. Và với những người có đầu óc như Nghĩa, việc nghĩ ra cách để kiếm tiền thỏa chí ăn chơi dường như là điều không hề khó khăn. Và sau nhiều đêm suy nghĩ, cùng với sự “tư vấn” của đám bạn ăn chơi Nghĩa vừa quen, Nghĩa quyết định sẽ mua công nghệ của nước ngoài trên mạng rồi làm giả các giấy tờ, bằng cấp. Và, những mạnh lới trong nghề khiến tài khoản của Nghĩa ngày càng phình to. Với vốn hiểu biết công nghệ, con dấu của Nghĩa ngày càng chuẩn, càng giống, và khách hàng càng nhiều. Đúng với kiểu thời thượng, Nghĩa mua 1 chiếc xe ô tô sang trọng, có 1 người yêu chân dài, cao hơn Nghĩa cái đầu.
Cuộc sống những tưởng sẽ mãi nhung lụa với Nghĩa, thế nhưng, lưới trời lồng lộng, và Nghĩa đã không thoát được trong 1 lần truy quét của công an. Thành tích học tập đáng nể, tiền tài, danh vọng và 1 tương lai sáng ngời cho Nghĩa đã bị đóng sập sau cánh cửa thời gian. Bản án 6 năm về tội “làm giả con dấu” có lẽ là quá dài để cho Nghĩa 1 mình nhìn lại những hành động nông nổi của tuổi trẻ và tiếc nuối những gì mình đã làm được.

Đọc thêm