Đường Láng - Hòa Lạc: Dở dang vì Hà Nội… thiếu tiền!

(PLO) - Tháng 10/2010, đường Láng – Hòa Lạc được thông xe, đưa vào khai thác để phục vụ Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhưng ít ai biết dự án này vẫn chưa hoàn thiện và chưa sử dụng hết công năng do thiếu vốn và vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Dự án đã đưa vào khai thác từ năm 2010 nhưng Hà Nội mới bố trí được 4.909/5.687 tỷ đồng
Dự án đã đưa vào khai thác từ năm 2010 nhưng Hà Nội mới bố trí được 4.909/5.687 tỷ đồng
Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng – Hoà Lạc được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt tổng đầu tư hơn 7.500 tỷ đồng với cơ cấu nguồn vốn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận gồm: ngân sách trung ương 1.840 tỷ đồng (đã được bố trí và giải ngân hết năm 2010) và vốn từ ngân sách TP Hà Nội (được huy động theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất) là 5.687 tỷ đồng. 
5 năm không xong một nút giao
Để phục vụ ngày lễ trọng, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành, kịp thông xe vào cuối năm 2010. Lúc bấy giờ, Láng – Hòa Lạc là con đường cao tốc nổi tiếng đẹp, hiện đại nhất Việt Nam và khu vực cửa ngõ ra vào Thủ đô. Người tham gia giao thông nghĩ đường đã thảm nhựa, đèn được thắp sáng khi xe chạy ban đêm … coi như dự án đã hoàn thành, nhưng thực tế nó vẫn chưa hoàn thiện. 
Vì sau 5 năm, dự án vẫn còn một số hạng mục tại nút giao Hòa Lạc,  huyện Thạch Thất (tại các vị trí đấu nối với QL21 của các nhánh ram 2.1 (Sơn Tây – Làng Văn hoá), ram 2.2 (Hà Nội – Xuân Mai), ram 4.2 (Làng Văn hoá - Sơn Tây) và đảo trồng cây xanh tại ram 4) chưa thể thi công, với lý do không có kinh phí để đền bù, giải phóng mặt bằng (khoảng 8 tỷ đồng); ngoài ra, còn thiếu kinh phí để thi công các khối lượng còn lại (khoảng 20 tỷ đồng). 
Bên cạnh đó, số kinh phí cho phần khối lượng đã thi công hoàn thành và đã được nghiệm thu nhưng vẫn đang nợ đọng các đơn vị thi công do chưa có vốn để giải ngân với con số khoảng 307 tỷ đồng.
Theo Bộ GTVT, để xảy ra tình trạng dự án dở dang như đã nêu là do ngân sách TP Hà Nội và việc huy động nguồn vốn theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn gặp khó khăn nên địa phương này chưa bố trí đủ vốn cho dự án. Cụ thể, theo quyết định phê duyệt dự án, vốn từ ngân sách thành phố là 5.687 tỷ đồng, trong khi Hà Nội mới huy động được 4.909 tỷ đồng, còn thiếu 777 tỷ đồng.
Dù là địa phương có nguồn thu vào loại lớn nhất nước nhưng sau 5 năm trời Hà Nội vẫn không dứt điểm nổi dự án trên. Do vậy, với vai trò là một cơ quan quản lý kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT hết sức “sốt ruột”, đã có nhiều văn bản gửi Hà Nội - lần gần đây nhất là Văn bản số 8944/BGTVT-CQLXD ngày 10/7/2015 đề nghị UBND TP Hà Nội có phương án bố trí vốn phục vụ giải ngân để giải quyết dứt điểm các tồn tại của dự án. 
Tiếp đó (ngày 13/8/2015), tại buổi làm việc với Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội đã thống nhất sẽ ứng trước 50 tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng tại nút giao Hoà Lạc. Riêng phần vốn phục vụ thi công khối lượng còn lại và trả nợ khối lượng công việc đã nghiệm thu hoàn thành, UBND TP Hà Nội vẫn chưa có ý kiến. 
Chỉ hứa!
Đã hơn 4 tháng sau cuộc làm việc giữa thành phố và Bộ, vẫn chưa có một đồng vốn nào được chi ra để tiếp tục hoàn thiện dự án nói trên kể cả khoản tiền 50 tỷ giải phóng mặt bằng mà Hà Nội cam kết sẽ giải ngân thì đến nay vẫn chưa có. Vì thế, dự án tiếp tục đình trệ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, gây thiệt hại cho dự án và các đơn vị thi công.
Để hoàn thành dứt điểm Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc và bàn giao toàn bộ các hạng mục khác của các dự án do Bộ GTVT đầu tư trên địa bàn Hà Nội, tránh rủi ro mất an toàn, đưa các dự án vào khai thác đồng bộ, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ để thanh toán trả nợ đọng khối lượng đã thi công hoàn thành và tiếp tục giải phóng mặt bằng, thi công dứt điểm các công việc còn lại của Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (khoảng 777 tỷ đồng - phần Hà Nội chưa bố trí vốn) hoặc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ để thanh toán trả nợ đọng cho các nhà thầu đã thi công; khối lượng còn lại của dự án cho phép bàn giao để UBND TP Hà Nội tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh. 
Rõ ràng việc hoàn thiện dự án nói trên là hết sức cấp thiết, bởi tuyến đường này nối kết khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh đang trong quá trình phát triển như Xuân Mai, Miếu Môn, Sơn Tây và các khu du lịch giàu tiềm năng như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai… 
Đặc biệt, tuyến đường được coi là tiền đề cơ bản để phát triển Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, một trong những dự án lớn, có tác động lớn tới kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, tuyến đường còn có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía tây và tây nam.  
Tuyến đường này khởi công năm 2005, với chiều dài hơn 29km. Trên tuyến có 51 cầu bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực vượt sông, vượt nút giao. Toàn tuyến có ba nút giao liên thông hoàn chỉnh và không hoàn chỉnh. Tổng mức đầu tư dự án gần 7.600 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương 1.840 tỷ đồng, nguồn vốn của TP Hà Nội 5.687 tỷ đồng. Đây là tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam thời điểm 2010, do các kỹ sư và nhà thầu trong nước tự thiết kế, thi công hoàn toàn bằng nguồn vốn trong nước.

Đọc thêm