Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội khó vận hành đúng tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sẽ khó về đích đúng tiến độ, chỉ có thể đưa vào khai thác toàn tuyến sau năm 2022.
Đoàn tàu Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử nghiệm.
Đoàn tàu Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử nghiệm.

Vận hành toàn tuyến sau 2022

Tiến độ được phê duyệt ban đầu với thời gian hoàn thành dự án là năm 2018. Tuy nhiên, do việc triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi toàn tuyến bị chậm so với kế hoạch ban đầu làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của dự án.

Cuối năm 2018, được sự đồng ý của Thủ tướng, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.

Tuy nhiên, đến nay mới hoàn thành công tác ký hợp đồng và triển khai thi công 9/9 gói thầu chính về xây lắp, thiết bị. Tiến độ chung dự án mới đạt khoảng 74%, tiến độ tổng thể đoạn trên cao đạt 89,41%. Do gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên dự kiến dự án chỉ có thể đưa vào khai thác đoạn trên cao vào năm 2022, hoàn thành đoạn ngầm và toàn tuyến sau năm 2022.

Dự án chậm trễ bàn giao mặt bằng trong thời gian dài do vướng mắc về thủ tục và sự chấp hành của các hộ dân, tồn tại, vướng mắc mặt bằng chủ yếu là nhà số 23 Quốc Tử Giám (ảnh hưởng thi công ga S11).

Ngoài ra, nhà tài trợ ADB yêu cầu phải phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ và quy trình thực hiện bồi thường cho các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng khi thi công tuyến hầm (có móng nhà xung đột với tuyến hầm) trước khi đào tuyến ngầm. Đây là việc chưa có tiền lệ và chưa được pháp luật hướng dẫn.

Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất, giải quyết các vướng mắc để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu trong quý IV/2021.

Bộ Giao thông Vận tải báo cáo một số nhà thầu gây sức ép

Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong khoảng thời gian từ tháng 2/2020 đến nay, các gói thầu của dự án đều thi công giãn cách, có lúc tạm dừng thi công vì không thể huy động được công nhân cũng như các chuyên gia nước ngoài và tuân thủ các biện pháp phòng dịch.

Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ và kế hoạch thanh toán cho các gói thầu như gói thầu xây lắp CP02, CP05; gói thầu thiết bị CP06, CP07. Do vậy, các gói thầu trên giải ngân chậm so với kế hoạch (đặc biệt gói CP06) làm ảnh hưởng đến kế hoạch giải ngân chung của dự án.

Một khó khăn khác là do hệ thống văn bản quy phạm điều chỉnh còn chưa kịp thời, đầy đủ dẫn đến công tác lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của dự án cũng bị chậm; kế hoạch vốn ODA cấp phát giai đoạn 2016-2020 được giao lần đầu chưa đủ và phải điều chỉnh nhiều lần cũng ảnh hưởng đến việc giao vốn hàng năm cho dự án dẫn đến việc triển khai và giải ngân bị chậm.

Do những chậm trễ từ khi triển khai dự án đến nay, ngoại trừ gói thầu CP01 và CP04 đã hoàn thành; 4/8 hợp đồng của đoạn trên cao hiện đã hết hạn (CP02, CP05, CP07, CP08); gói CP05 đã được ký gia hạn tạm đến tháng 12/2021; gói CP06 hết hạn vào tháng 9/2021; gói thầu tư vấn chung ký với Systra đã hết hạn vào 31/7/2021.

Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ GTVT cho hay, quá trình thực hiện việc gia hạn các gói thầu, một số nhà thầu lợi dụng tính cấp thiết về tiến độ dự án, tiến độ vận hành trước đoạn trên cao để gây sức ép lên chủ đầu tư bằng cách chậm trình hồ sơ, đẩy chi phí phát sinh lên cao bất hợp lý; đồng thời thiếu hợp tác với ban quản lý dự án và tư vấn trong việc giải trình và làm rõ các đề xuất của mình, giảm tiến độ công việc và đặc biệt là đưa vấn đề tranh chấp ra Trọng tài quốc tế khiến các bên đều mất thời gian xử lý sự vụ ảnh hưởng đến tiến độ các công việc chính.

Tư vấn Systra cũng được cho là thiếu tích cực trong đàm phán với các nhà thầu cũng như báo cáo chủ đầu tư về việc cập nhật lại kế hoạch vận hành đoạn trên cao trong tình hình hiện nay với lý do chưa được thanh toán các hóa đơn còn lại của hợp đồng trọn gói.

Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam đang chưa đồng bộ đầy đủ, có nhiều điều chỉnh trong quá trình thực hiện dự án. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình ngầm, hệ thống phòng cháy chữa cháy, đánh giá an toàn hệ thống, các hệ thống chạy tàu… cũng là nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong quá trình thẩm duyệt hồ sơ thiết kế và nghiệm thu các công trình chuyên biệt.

Dự án đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được tài trợ từ nguồn vốn vay ODA của 4 nhà tài trợ gồm: Chính phủ Pháp (355 triệu Euro); Cơ quan Phát triển Pháp – AFD (159 triệu Euro); Ngân hàng Đầu tư châu Âu - EIB (141 triệu Euro) và Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB (402 triệu USD).

Tính đến thời điểm hiện nay, dự án đã giải ngân được hơn 15,6 ngàn tỷ đồng (đạt 47,4% so với tổng mức đầu tư), trong đó vốn ODA hơn 12,8 ngàn tỷ đồng, vốn đối ứng hơn 2,7 ngàn tỷ đồng.

Đọc thêm