Em gái cựu Chủ tịch FLC xin Tòa cho anh trai cơ hội làm lại cuộc đời

(PLVN) - Nói lời sau cùng, em gái cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết xin Tòa khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho ông Quyết để anh trai có cơ hội làm lại cuộc đời. Các cựu lãnh đạo HOSE nói lời ân hận…
Các bị cáo tại tòa.

Chiều 29/7, phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Cty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” tiếp tục diễn ra. HĐXX cho các bị cáo được nói lời sau cùng.

Nói lời sau cùng, bà Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết) nghẹn ngào gửi lời xin lỗi các bị cáo khác trong vụ án. “846 ngày bị tạm giam, không kể những ngày giữ ở cơ quan điều tra, chắc nỗi đau này cả đời bị cáo không thể quên”, bà Nga khóc nức nở và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình vì hoàn cảnh đang phải chăm bố mẹ già, nuôi 3 con nhỏ.

Theo lời của bà Nga, bố chồng của bị cáo vì không thể chịu được cú sốc quá lớn đã mất cách đây 97 ngày. Bị cáo mong sớm trở về được làm tròn chữ hiếu với người đã mất.

Một em gái khác của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế nói rằng anh trai là niềm tự hào của những người trong gia đình. “Bị cáo cũng không biết nói gì hơn, xin HĐXX khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết để anh có cơ hội làm lại cuộc đời”, bà Huế nói.

Tiếp lời, bà Huế bảo, bản thân rất ân hận về việc làm của mình vì việc làm của bị cáo đã ảnh hưởng đến nhiều người. Những người đã tin tưởng vì lời nhờ của bị cáo mà không xem xét, khi ký hồ sơ để dẫn đến hậu quả. Sau đó, bà Huế, gửi lời xin lỗi tới các anh, các em, các cháu, các anh chị em đồng nghiệp.

Ông Lê Hải Trà (cựu Phó TGĐ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) nói lời cám ơn CQĐT, VKS, HĐXX cùng luật sư bào chữa đã hỗ trợ bị cáo từ ngày đầu của vụ án. Ông Trà nói rằng từ khi được mời làm việc với CQĐT, đã nhận thức đầy đủ, hành vi của bản thân.

Theo lời ông Trà, bản thân ông đã tham gia thị trường chứng khoán từ ngày đầu, ông không bao giờ nghĩ một ngày nào đó sẽ tham gia giúp đỡ cho hành vi lừa đảo các nhà đầu tư. Sau đó, ông Trà kể về nỗ lực phấn đấu của bản thân, phấn đấu đi học ở Mỹ rồi quay về làm việc tại HOSE và trở thành lãnh đạo.

Ông Trà bày tỏ sự tiếc nuối khi HOSE từng bước lớn mạnh nhưng ông không thể tiếp tục tham gia vào quá trình phát triển này. “Càng thấy sự lớn mạnh của Sở GDCK TP.HCM, tôi càng thấy xót xa và hối tiếc về những gì xảy ra trong vụ án này”, ông Trà nói và mong HĐXX khoan hồng cho mình. Theo lời ông Trà, ông có ông ngoại là cán bộ tiền cách mạng, 19 năm là tù nhân Côn Đảo, bố là liệt sỹ, mẹ già yếu và xin được khoan hồng.

Ông Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch HĐQT HOSE) nói cảm thấy hối tiếc khi các nhà đầu tư tin tưởng mình nhưng rồi bản thân lại để sự việc không hay xảy ra. “Bị cáo rất buồn, rất ân hận về việc này”, ông Sinh nói và thừa nhận lỗi của mình, chấp nhận phán quyết của HĐXX.

Người đàn ông này ngậm ngùi bảo, bản thân không thể tưởng tượng được có ngày chính mình lại tiếp tay cho hành vi lừa đảo các nhà đầu tư. Với tư cách là người đứng đầu, bị cáo Trần Đắc Sinh cũng có lời xin HĐXX khoan hồng cho các bị cáo ở HOSE.

Trước khi dừng lời, ông Sinh bảo, vụ án xảy ra đã làm lộ những lỗ hổng trong các quy định về hoạt động của thị trường chứng khoán. Bản thân ông cũng đưa ra một số kiến nghị để thị trường chứng khoán có thể hoạt động tốt và minh bạch hơn.

Cụ thể, đối với luật Doanh nghiệp, ông Sinh cho rằng cần xem xét về vốn điều lệ. Đối với các công ty kiểm toán, phải siết chặt hơn. Đối với Ủy ban chứng khoán, cần có biện pháp rõ ràng hơn để quản lý thị trường chứng khoán và kiến nghị việc thuê Công ty kiểm toán độc lập nếu nhận thấy hồ sơ niêm yết có vấn đề.

Nói lời sau cùng, đa số các bị cáo còn lại đều nói lời ân hận và xin HĐXX khoan hồng để sớm được trở về chăm sóc gia đình; không bị cách ly khỏi xã hội…

Dự kiến 14h ngày 5/8, HĐXX sẽ tuyên án./.

Đọc thêm