Luật sư đề nghị áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với Cựu Chủ tịch FLC

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo luật sư, mức án mà VKS đề nghị với cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết là quá nghiêm khắc, chưa xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với ông Trịnh Văn Quyết. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt với cựu Chủ tịch FLC.
Các luật sư tham tại tòa.
Các luật sư tham tại tòa.

Chiều 26/7, phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Cty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo khác về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” tiếp tục diễn ra với phần tranh luận.

Bào chữa cho cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, luật sư Vũ Đặng Hải Yến cho biết, tại tòa, ông Quyết luôn thể hiện thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải và tôn trọng tuyệt đối với các mô tả về hành vi của VKS tại cáo trạng, chấp thuận và không phản đối với kết luận của VKS về tội danh. Tuy nhiên, theo luật sư, mức án mà VKS đề nghị với ông Quyết (từ 24-26 năm tù về 3 tội danh-PV) là quá nghiêm khắc đối với ông Quyết, không thực sự phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả thực tế trong các hành vi của bị cáo, chưa xem xét, áp dụng chính sách khoan hồng, nhân đạo đối với ông Trịnh Văn Quyết.

Luật sư cho rằng việc xác định nhóm 30.403 nhà đầu tư (không phân biệt nhà đầu tư (NĐT) đã bán hay vẫn đang sở hữu cổ phiếu) là người bị hại là không phù hợp với khoa học pháp lý, không đáp ứng các tiêu chí về bị hại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Bởi nhiều trường hợp NĐT mua cổ phiếu ban đầu nhưng sau đó đã bán và có lãi.

“Chúng tôi cũng khẳng định, khả năng có lãi của 30.403 NĐT mua cổ phiếu ROS ban đầu là rất lớn”, luật sư Yến nói và cho rằng, một cách khách quan, NĐT mua cổ phiếu ROS ban đầu và đã bán tức là NĐT đã thu hồi lại được số tiền đã bỏ ra để mua cổ phiếu, theo đó, không thể hình thành yếu tố chiếm đoạt đối với số tiền mà các NĐT này đã bỏ ra để mua cổ phiếu ROS ban đầu; việc xác định 30.403 NĐT là người bị hại là không phù hợp với tính chất đặc thù của thị trường chứng khoán/quan hệ giao dịch mua bán cổ phiếu niêm yết…

Do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét người bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 133 NĐT mua cổ phiếu ROS ban đầu (cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống) và hiện vẫn còn đang sở hữu cổ phiếu này; xác định số tiền chiếm đoạt trong vụ án là hơn 2,2 tỷ đồng tương đương với thiệt hại của 133 bị hại.

Đối với số tiền bán cổ phiếu ROS hơn 3.618 tỷ đồng, theo luật sư, không thể xem xét đây là khoản tiền ông Quyết chiếm đoạt của các NĐT, cần xem xét đây là khoản tiền hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án. Bởi lẽ, về nguyên tắc, ngay tại thời điểm NĐT bán cổ phiếu ra thị trường, NĐT đã thu hồi lại một phần hoặc toàn bộ hoặc nhiều hơn số tiền đã bỏ ra ban đầu. Theo đó, yếu tố chiếm đoạt đã không còn tồn tại.

Số tiền này cần thiết được xem xét như một khoản thu lợi bất chính tương tự như hành vi thao túng thị trường chứng khoán, là khoản tiền hưởng lợi không ngay tình từ các hành vi trong vụ án. “Thân chủ của chúng tôi sẵn sàng và cam kết nộp toàn bộ số tiền này vào Ngân sách nhà nước (NSNN). Với sự tự nguyện và cam kết trong việc nộp tiền vào NSNN của bị cáo, chúng tôi cho rằng, cần xem xét đây là tính tiết để áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt”, luật sư Yến nói.

Đồng bào chữa cho ông Quyết, một luật sư khác cho biết, Công ty Faros có hoạt động sản xuất kinh doanh trên thực tế, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Theo luật sư, doanh nghiệp này đã đầu tư nhiều dự án lớn, đã nộp vào NSNN gần 350 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, luật sư đề nghị HĐXX xem xét đối trừ trực tiếp phần giảm giá trị cổ phiếu đang bị phong toả (giá trị thất thoát tính từ khi phong toả đến nay) vào số tiền hưởng lợi của ông Quyết; cho phép bị cáo Quyết thông qua luật sư và gia đình chủ động tìm kiếm NĐT để bán tài sản là cổ phiếu để nộp phần giá trị còn lại của số tiền hưởng lợi trong thời gian sớm nhất để giảm thiểu tình trạng mất giá.

Sau khi các luật sư bào chữa, HĐXX đã hỏi bị cáo Trịnh Văn Quyết có bổ sung ý kiến. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết không có ý kiến bào chữa thêm.

Ngày mai (27/7), HĐXX tiếp tục làm việc./.

Đọc thêm