Trong Sách Trắng năm 2012 về “Các vấn đề thương mại – đầu tư và kiến nghị”, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố mới đây, cơ quan này đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các DN viễn thông để thực sự “mở cửa” cho các nhà đầu tư nước ngoài.
MobiFone là mạng di động đầu tiên triển khai kế hoạch cổ phần hóa. Ảnh minh họa |
Hành lang pháp lý hiện tại chỉ cho phép các công ty nước ngoài đầu tư vào thị trường viễn thông Việt Nam theo phương thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) với một DN Việt Nam. Phương thức hợp tác kinh doanh này thường bị giới hạn về thời gian và đối tác nước ngoài chỉ được phân chia một phần lợi nhuận chứ không có quyền về vốn cổ phần. Đây là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài không “mặn mà” lắm với phương thức BCC.
Theo EuroCham, các DN nước ngoài đang rất nóng lòng mong chờ Chính phủ Việt Nam có lộ trình cụ thể về việc cổ phần hóa các DN viễn thông, đặc biệt là các DN hàng đầu như MobiFone, VinaPhone, Viettel.
Trong cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã đồng ý “mở cửa” cho các công ty nước ngoài tham gia ngành viễn thông và cho phép phía nước ngoài có thể sở hữu đến 49% cổ phần của các DN viễn thông.
Chính vì thế, EuroCham mong muốn Chính phủ Việt Nam thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DN viễn thông để các nhà đầu tư nước ngoài có thể nâng cao thị phần trong các DN viễn thông của Việt Nam. Đây là vấn đề đã được Chính phủ Việt Nam đưa ra từ năm 2005. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa nhà đầu tư nước ngoài nào có thể hiện thực hóa cam kết này khi các nhà mạng lớn của Việt Nam vẫn chưa triển khai cổ phần hóa.
Nguyên Minh