EVN huy động công suất thế nào khi nguồn điện đang dư thừa?

(PLVN) - Một số chủ dự án điện mặt trời áp mái “kêu” điện làm ra đang không tiêu thụ được khiến doanh nghiệp lao đao trong đại dịch. Trong khi bên mua - EVN khẳng định, việc huy động công suất phải hài hòa và không phân biệt các loại hình nguồn phát, nhằm phù hợp trong bối cảnh phụ tải giảm, nguồn điện đang dư thừa.
Giám đốc A0 Nguyễn Đức Ninh
Giám đốc A0 Nguyễn Đức Ninh

Mua điện từ giá thấp đến cao

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0, thuộc EVN) cho hay, những con số trích xuất được từ hệ thống điện quốc gia đầu năm đến nay và đặc biệt là thời điểm cuối quý III/2021 cho thấy, phụ tải giảm chưa từng thấy trong lịch sử ngành Điện. Nhu cầu điện giảm sâu, buộc A0 phải xây dựng các phương thức và ra các mệnh lệnh chỉ huy, điều khiển phù hợp nhằm đảm bảo an toàn hệ thống điện quốc gia và hài hòa lợi ích của các bên tham gia thị trường điện.

- Căn cứ nào để A0 ra quyết định huy động công suất từ các nguồn phát khác nhau để đưa lên lưới điện quốc gia?

Giá thủy điện giao động từ 700 đồng - 1.000 đồng/kWh; nhiệt điện 900 - 1.500 đồng/kWh; điện mặt trời mái nhà 8,38 cent/kWh (1.900 đồng/kWh); điện mặt trời farm 9,35 cent/kWh (2.300 đồng/kWh)

Hai căn cứ quan trọng để A0 đưa ra một quyết định khi huy động công suất phát từ các nguồn điện lên lưới là nhu cầu phụ tải và giá chào của các loại hình phát điện trên thị trường điện.

Nói cụ thể là khi phụ tải giảm, nhu cầu dùng điện thấp thì việc huy động (mua) từ các nguồn phát của EVN sẽ giảm tương ứng để phù hợp với cầu. Việc huy động công suất phát, nhất là đối với loại hình phát điện truyền thống (nhiệt điện, thủy điện, khí điện), EVN thực hiện theo nguyên tắc huy động từ nguồn có giá thấp, sau đó mới tính đến các nguồn giá cao hơn, nhằm đảm bảo bài toán kinh tế trong hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

- Năng lượng tái tạo có được ưu tiên huy động lên lưới khi gần đây, nhiều dự án điện mặt trời và điện gió ở phía Nam được đưa vào vận hành thương mại?

Cuối năm 2020, đầu năm 2021 tại các tỉnh phía Nam, Nam Trung bộ và Tây Nguyên bắt đầu bùng nổ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời farm).

Tuy nhiên, đầu năm 2021, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 3 quay lại, và mới đây là làn sóng dịch lần thứ 4 - khiến cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên mọi miền đất nước bị gián đoạn, đình trệ… dẫn tới phụ tải giảm rất sâu, gây ra tình trạng dư thừa nguồn điện trong đó có năng lượng tái tạo.

Do vậy, việc huy động công suất từ các nguồn phát lên lưới điện quốc gia cũng phải được tính toán để giảm đều, không có sự phân biệt nào giữa thủy điện, nhiệt điện hay điện mặt trời, điện gió… Đó là tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Bộ Công thương mà EVN phải chấp hành.

Điện gió và điện mặt trời bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam vào cuối năm 2020, đầu năm 2021

Điện gió và điện mặt trời bắt đầu bùng nổ ở Việt Nam vào cuối năm 2020, đầu năm 2021

Điện mặt trời áp mái không tham gia thị trường điện

- Cách nào để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong việc huy động công suất từ các nguồn điện khác nhau lên lưới điện quốc gia?

Các doanh nghiệp tham gia thị trường điện (bao gồm: các nhà máy thủy điện, nhiệt điện,…) đều đã được A0 cung cấp các account để tự truy cập vào các website kiểm tra các thông tin liên quan.

Cụ thể, thông qua cơ chế này, một nhà máy phát điện trong ngày hôm nay có thể kiểm tra xem ngày mai đơn vị mình được phép phát bao nhiêu lên lưới. Ngoài ra, chúng tôi cũng trang bị thêm một số công cụ khác để các đơn vị phát điện có thể trao đổi ngược lại với đơn vị chức năng của EVN về việc huy động công suất nguồn.

Với cách làm công khai, khoa học như vậy nên từ khi vận hành thị trường điện (năm 2007) đến nay, A0 chưa nhận được bất kỳ một khiếu nại nào từ các đơn vị phát điện thuộc thẩm quyền điều khiển của A0. Cụ thể, đối tượng điều khiển của A0 là những nguồn phát lớn - trên 30 MW trở lên, với cấp điện áp đầu nối từ 110 kV trở lên.

Ở đây xin lưu ý thêm, các dự án điện mặt trời áp mái gần đây đưa vào hoạt động đều không tham gia thị trường điện, chỉ đấu nối ở cấp điện áp 22kV, 35kV và theo quy định không thuộc đối tượng điều khiển của A0. Việc đấu nối, vận hành, ký hợp đồng mua bán điện với các chủ dự án điện mặt trời áp mái (hiện có 125.000 nguồn phát trong cả nước) do các Tổng công ty điện lực miền Trung, miền Nam và Điện lực TP.Hồ Chí Minh thực hiện.

A0 chỉ lập các phương thức, trên tình thần chỉ đạo của Bộ Công thương và EVN xuống các Tổng công ty Điện lực miền, với một con số khung, còn chi tiết huy động, mua bao nhiêu từ các dự án điện mặt trời áp mái là do các Công ty Điện lực thuộc các “Tổng” miền chủ động tính toàn, thực hiện phù hợp với tình hình chung hiện nay là phụ tải giảm, nguồn phát điện đang dư thừa.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tiết giảm phải rõ ràng, minh bạch

“Mức độ tiết giảm công suất huy động của nhà máy điện và loại hình nhà máy điện phải tiết giảm do A0 tính toán, công bố, chỉ huy thực hiện phù hợp với cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng/miền, mức dự phòng… tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ nguyên tắc rõ ràng, minh bạch, thực hiện đồng đều giữa các loại hình, không phân biệt đó là các loại hình nguồn điện phải có giấy phép hoạt động điện lực hay được miễn trừ”, Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An.

Đọc thêm